Nga và Ukraine: Chìa khóa cho nền kinh tế toàn cầu
Ngày nay, hàng nghìn công ty Hoa Kỳ và Châu Âu làm ăn với các nhà cung cấp ở Nga và Ukraine. Cụ thể, phân tích dữ liệu mối quan hệ toàn cầu trên nền tảng Interos cho thấy hơn 2000 công ty Hoa Kỳ và hơn 1000 công ty châu Âu phụ thuộc vào các nhà cung cấp cấp 1 đặt tại Nga. Cùng với đó, số công ty của Hoa Kỳ và châu Âu phụ thuộc vào các nhà cung cấp một tại Ukraine lần lượt là hơn 450 và 200. Đáng chú ý hơn, tổng số lượng nhà cung ứng cấp 3 hoạt động tại hai khu vực này lên tới hơn 299.000 nhà cung cấp.
Trong đó, các dịch vụ cung cấp nổi bật bao gồm: phần mềm và dịch vụ CNTT (13%), dịch vụ tiêu dùng (7%), dịch vụ thương mại và phân phối (6%), máy móc công nghiệp cùng dầu, khí đốt, thép và các sản phẩm kim loại khác (4%), v.v.
Chính vì vậy, xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine châm ngòi khiến những gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn khi các nhà sản xuất nguyên liệu thô, kim loại và hợp kim chủ chốt nằm ở cả hai bên biên giới.
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu
Giá dầu cao nhất lịch sử gây bất ổn thị trường
Cuộc khủng hoảng đã đưa giá dầu Brent hợp đồng tương lai vượt quá 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Theo số liệu thống kê từ Investing, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/3, giá dầu Brent tương lai đã chạm mức 118,5 USD/thùng.
Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Ba (1/3) đã đồng ý xuất ra 60 triệu thùng dầu dự trữ, chiếm 4% trong tổng số 1,5 tỷ thùng dầu dự trữ khẩn cấp do các thành viên IEA nắm giữ, và tương đương với 2 triệu thùng/ngày trong 30 ngày. Đây là lần thứ hai trong lịch sử 47 năm, IEA quyết định mở kho dự trữ dầu thô chiến lược, sau lần đầu tiên vào giữa chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Tuy nhiên, bất chấp việc Nhà Trắng và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông báo bơm dầu ra thị trường, mức tăng mới đây khiến giá dầu thô đắt hơn gần 26% so với ngay trước thời điểm Nga tấn công Ukraine, theo đài CNN.
Điều này gây sức ép trực tiếp lên ngành Logistics – lĩnh vực vốn chịu tác động nặng nề do thiếu hụt container rỗng trong đại dịch Covid-19. Đà tăng bùng nổ của giá dầu có thể khiến giá cước vận tải đường biển tăng gấp hai đến ba lần (từ 10.000 USD/container lên 30.000 USD/container). Đồng thời, giá cước giao ngay cũng như thời gian vận chuyển bằng đường hàng không cũng được dự báo tăng gấp ba đến bốn lần.
Là một nước cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu, Nga đã thực hiện giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và có khả năng sẽ tiếp tục giảm sản lượng xuất khẩu như một biện pháp trả đũa các lệnh trừng phạt. Thêm vào đó là thực tế đường ống dẫn khí chính chạy qua Ukraine hiện đang vận chuyển khoảng 13% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu, những tài sản này có nguy cơ bị hư hỏng do cuộc xâm lược.
Ngoài ra, giá năng lượng tăng cao sẽ làm tăng chi phí hoạt động của các đơn vị khác nhau trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất, nhà phân phối cho đến nhà bán lẻ. Nếu không có các nguồn cung cấp thay thế như đá phiến từ Mỹ, OPEC hoặc Iran, chi phí hoạt động có thể trở nên rất cao, giá cả các loại hàng hóa cũng phải điều chỉnh theo.
Theo một số nhà phân tích, nếu cuộc chiến kéo dài khiến giá dầu tăng vọt lên 150 USD/thùng, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống còn gần 1% và tăng gấp đôi lạm phát. Lạm phát ở Hoa Kỳ cũng có thể tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, vượt quá 10%, theo các nhà kinh tế của tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới JPMorgan.
Nguồn cung nguyên liệu bị bóp nghẹt
Các lệnh trừng phạt đã được áp dụng với Nga, nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới cả về niken và nhôm, càng làm trầm trọng hơn nữa các nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Giá nhôm trong phiên giao dịch ngày 6/3 trên sàn giao dịch kim loại London (LME) ở mức 3.840 USD/tấn sau khi chạm mức cao kỷ lục 3.867 USD/tấn. Tính chung cả tuần giá nhôm tăng 14%. Cùng với đó, giá Niken LME cũng đã chạm 30.295 USD, mức cao nhất kể từ năm 2008, và tăng khoảng 20% trong tuần này do nhu cầu ngày càng tăng kết hợp với tình trạng khan hiếm hàng tồn kho. Sự thiếu hụt và tăng giá mạnh của các kim loại này sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, bao bì, ô tô và pin xe điện.
Ngoài ra, xung đột ngày càng leo thang cũng đang làm dấy lên lo ngại về chuỗi cung ứng titanium. Nga có thể sẽ ngừng cung cấp titan cho hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của Boeing khi phụ thuộc vào VSMPO-AVISMA của Nga – nhà sản xuất titanium lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguyên liệu thô sử dụng để sản xuất titan – đặc biệt là ilmenite nhập khẩu từ Ukraine trở nên khó khăn khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cấm xuất khẩu sang Nga.
Đe dọa an ninh lương thực
Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới khi chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì, 19% nguồn cung ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương. Các nhà phân tích cho biết Châu Âu phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen của Ukraine. Không chỉ Liên minh châu Âu sẽ bị ảnh hưởng mà nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi cũng sẽ gặp khó khăn do phụ thuộc nguồn cung lúa mì và ngô của Ukraine. Điều này có thể đe dọa an ninh lương thực các quốc gia này.
Giá lúa mì kỳ hạn giao dịch tại Chicago đã tăng khoảng 12% kể từ đầu năm nay, trong khi giá ngô kỳ hạn đã tăng 14,5% trong cùng kỳ. Trong phiên 2/3, giá lúa mì giao dịch tại Chicago (Mỹ) đã tăng gần 3%, lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Các chuyên gia của ngân hàng Rabobank có trụ sở tại Hà Lan dự báo giá lúa mì và ngô có thể tăng 20-30% thời gian tới.
Hơn nữa, việc gián đoạn nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng như phân bón. Điều này càng tác động mạnh hơn tới lĩnh vực nông nghiệp khi nguồn cung phân bón đã thiếu hụt trong năm ngoái và bị đẩy giá tăng cao.
Đặng Trà My