Giá hồ tiêu liên tục “lập đỉnh”
Theo thông tin từ hệ thống khảo sát giá nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường hồ tiêu trong nước ngày 14/6 đã tăng từ 2.000 – 6.000 đồng/kg so với ngày 13/6.
Cụ thể, tại Đắk Lắk, thương lái đang thu mua hồ tiêu tại vườn của nông dân với giá 160.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng; tại Đắk Nông, giá đã tăng lên mức 162.000 đồng/kg; Gia Lai cũng tăng lên ngưỡng 160.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng; Bình Phước đang ở mức 161.000 đồng/kg, tăng tới 6.000 đồng.
Trong vòng 1 tháng qua, giá hồ tiêu tăng “phi mã”. Nếu như khoảng giữa tháng 5, giá hồ tiêu chỉ ở mức 120.000 đồng/kg thì đến cuối tháng 5 đã lên mức 127.000 – 129.000 đồng/kg và chạm mốc 150.000 đồng/kg vào ngày 5/6/2024.
Như vậy, so với thời điểm ngày 31/5, giá hồ tiêu đã tăng thêm khoảng 30.000 đồng/kg và tăng thêm tới 40.000 đồng/kg so với ngày 15/5. Đây được xác nhận là đợt tăng giá hồ tiêu mạnh nhất từ trước tới nay. Với đà này, dự báo trong nửa cuối năm nay, hồ tiêu có thể sẽ đạt đến mốc kỷ lục 200.000 đồng/kg.
Đối với thị trường xuất khẩu, tình bình quân 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu tiêu đen đạt 4.197 USD/ tấn, tiêu trắng đạt 5.804 USD/ tấn, tăng lần lượt 754 USD và 849 USD so với cùng kỳ năm 2023.
Giải mã cơn sốt giá tiêu
Giá hồ tiêu thế giới và tại Việt Nam tăng mạnh bởi Brazil và Việt Nam, hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu, đang có sản lượng sụt giảm do hiện tượng El Nino gây hạn hán.
Trong khi đó, khoảng 4 năm trước, giá tiêu chỉ 35.000 – 40.000 đồng/kg nên nhiều vườn tiêu lâu năm đã bị thay thế bằng sầu riêng và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Vì thế mặc dù giá tiêu tăng cao nhưng nhà vườn không có nhiều hàng để bán. Nguồn cung càng khan hiếm, giá tiêu lại càng tăng. Về dài hạn, trong 3-5 năm tới, lượng tiêu sản xuất ra được dự báo chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới.
Thực tế, nông dân Việt Nam thường chạy theo xu hướng lợi nhuận nên nền nông nghiệp Việt vẫn chưa thoát khỏi vấn nạn “trồng – chặt, chặt – trồng”. Mặc dù 5 năm qua, nhà nước đã triển khai “quy hoạch vùng trồng” nhưng vì thiếu quyết liệt, thiếu năng động; nông dân có tính bảo thủ cao nên vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhìn sang các quốc gia khác, nhiều nước còn có cơ quan trinh sát thị trường, xây dựng bản đồ và số hóa thông tin để đưa đến cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, nông dân có thể biết rõ tình hình cung-cầu và xu hướng hàng hóa để có những điều chỉnh trong sản xuất. Tuy nhiên, những vấn đề này ở Việt Nam còn thiếu và chưa có đơn vị nào làm tốt công việc này.
Bên cạnh tình trạng cung – cầu, giá cước vận tải biển cũng là một yếu tố đẩy giá tiêu tăng mạnh. Cước tàu biển bất ngờ tăng vọt khoảng 100% ở tất cả các chuyến, thậm chí các tuyến từ Việt Nam sang Mỹ tăng hơn gấp đôi so với thời điểm tháng 3. Đáng lo ngại hơn là dù giá tăng cao nhưng các nhà xuất khẩu rất khó đặt được tàu để xuất hàng do các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu. Chi phí vận chuyển tăng cao đã góp phần làm tăng giá thành của hàng hóa, và hồ tiêu cũng không ngoại lệ.
Đằng sau sự sôi động trên thị trường xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu là tình trạng găm hàng đầu cơ của các đại lý nhỏ lẻ, đẩy giá lên cao hơn so với thực tế. Đối với người nông dân trồng tiêu, đây là một tin vui. Việc giá tiêu tăng cao giúp họ có thêm thu nhập và cải thiện đời sống. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, việc điều chỉnh giá nhập khẩu và giá bán ra là vô cùng quan trọng để tránh rủi ro về giá. Nếu giá hồ tiêu nội địa tăng mà không điều chỉnh giá xuất khẩu tương ứng, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro về uy tín và đơn hàng.
Do đó, việc điều chỉnh giảm giá tiêu là điều cần thiết để “cân bằng” lại thị trường. Tuy nhiên, mặt bằng giá khó có thể giảm sâu khi giá tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới trong bối cảnh nguồn cung tiêu trên toàn cầu đang khan hiếm.
Kiều Phương Linh