1. Cross-docking là gì?
Cross-docking là một hệ thống phân phối hàng hóa, theo đó, hàng hóa được nhận trực tiếp tại các cross-dock*, sau đó, chúng không được lưu trữ trong kho mà được phân loại, tách, gộp đơn hàng ngay lập tức và sẵn sàng chuyển đến nơi tiêu thụ.
*Cross-dock là các cơ sở trung chuyển chủ yếu tiếp nhận các xe chở hàng đã được phân loại và gom nhóm với các sản phẩm khác và xếp chúng sang các xe tải đầu ra (outbound trucks). Các xe này sẽ rời khỏi cross-dock đến một khu vực sản xuất, một cửa hàng bán lẻ hay cross dock khác.
Các sản phẩm được các xe đưa đến cùng một điểm và từ đó có thể được tập hợp, gom vào ít phương tiện vận chuyển hơn. Ngược lại, những lô lớn cũng có thể được chia thành các nhóm nhỏ hơn để giao hàng. Kết quả cuối cùng trong cả hai trường hợp là một hệ thống phân phối gọn gàng và hiệu quả hơn.
Lưu trữ và thu gom đơn hàng là hai chức năng tốn chi phí nhất trong 4 chức năng chính của hoạt động kho hàng (cùng với tiếp nhận và gửi hàng) do đi kèm chi phí bảo quản, lưu trữ hàng hóa và chi phí lao động. Có thể thấy, với việc loại bỏ khâu lưu trữ, cross-docking sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí và thời gian lưu kho (lô hàng chỉ mất một ngày tại cross-dock hoặc đôi khi chưa đến một giờ trước khi vận chuyển đến tay khách hàng). Tuy nhiên, cross-docking chỉ được sử dụng trong trường hợp có cam kết nghiêm ngặt về thời gian để bù đắp bất kỳ sự không chắc chắn (uncertainty) nào liên quan đến kéo dài lead time.
2. Phân loại
Mỗi doanh nghiệp sẽ chọn một loại hình cross-docking phù hợp với họ. Dưới đây là một số cách phân loại cross-docking:
Cross-docking sản xuất (Manufacturing cross-docking) là quá trình hỗ trợ và thu gom các nguồn cung đầu vào như nguyên vật liệu, thành phẩm, v.v. Sau đó, chúng sẽ được sắp xếp và định cấu hình (configure) để vận chuyển đến các địa điểm sản xuất khác nhau.
Cross-docking nhà phân phối (Distributor cross-docking) là quá trình tổng hợp nhiều mặt hàng khác nhau từ các nhà cung cấp khác nhau vào một lần chuyển hàng đi tiêu thụ.
Cross-docking vận tải (Transportation cross-docking) là hoạt động kết hợp các lô hàng từ một số nhà vận tải khác nhau (ở dạng LTL hoặc theo gói nhỏ) nhằm đạt được lợi ích kinh tế về quy mô.
Cross-docking nhà bán lẻ (Cross-docking retail) là quy trình liên quan đến việc nhận và phân loại các mặt hàng từ một số nhà cung cấp để chuyển đến nhiều cửa hàng bán lẻ.
Cross-docking cơ hội (Cross-docking opportunistic) có thể sử dụng ở bất kì kho hàng nào, chuyển một sản phẩm trực tiếp từ khu vực nhận hàng đến khu vực chuyển hàng nhằm đáp ứng một nhu cầu biết trước.
3. Ưu điểm của cross – docking
Việc áp dụng cross-docking vào quy trình kinh doanh mang lại rất nhiều lợi thế lớn cho doanh nghiệp. Nổi bật nhất phải kể đến là:
- Giảm chi phí cho hoạt động bảo quản, lưu trữ hàng hóa ở kho một cách đáng kể do loại bỏ các công đoạn lưu trữ trung gian.
- Thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa nhanh chóng, duy trì chất lượng sản phẩm với các dòng sản phẩm có hạn sử dụng ngắn.
- Có thể áp dụng với nhiều loại mặt hàng khác nhau như: hàng nhanh hỏng cần giao ngay; sản phẩm được gắn mã thẻ, sẵn sàng mang ra bán cho khách hàng; mặt hàng cao cấp không cần giám sát chất lượng trong quá trình vận chuyển.
4. Những loại hình doanh nghiệp nào phù hợp cho cross-docking
Một sản phẩm là được xem phù hợp cho cross-docking nếu nhu cầu của nó đáp ứng hai tiêu chí: biến động đủ thấp và khối lượng đủ lớn. Nếu nhu cầu biến động mạnh, cross-docking rất khó để thực hiện vì khó khăn trong việc cân đối cung cầu (nên có thể phải giữ hàng tồn kho để đáp ứng). Bên cạnh đó, nhu cầu cho sản phẩm phải đủ lớn để đảm bảo các lô hàng được giao thường xuyên vì nếu nhu cầu quá thấp, việc giao hàng thường xuyên sẽ dẫn đến gia tăng chi phí vận tải đầu vào, và các kho hàng sẽ phải lưu trữ tốt hơn.
Dưới đây là một số loại hình doanh nghiệp phù hợp với việc áp dụng cross-docking:
Ngành công nghiệp ô tô: Để đáp ứng kịp thời được những thay đổi trong nhu cầu thị trường, giảm lượng hàng tồn kho, tiết kiệm chi phí, nhiều nhà sản xuất ô tô lớn đã áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn, được Toyota tiên phong và ban đầu được gọi là “Hệ thống sản xuất Toyota”. Với mục tiêu “không tồn kho, không thời gian chờ đợi, không chi phí phát sinh” thì cross-docking là sự lựa chọn cần thiết không chỉ với Toyota mà còn nhiều nhà sản xuất ô tô khác.
Ngành thực phẩm và đồ uống: Các nhà hàng cần nguồn cung cấp nguyên liệu liên tục cho các món trong thực đơn của họ. Hơn nữa, khả năng hư hỏng hàng tồn kho ngày càng tăng khiến cho cross-docking trở thành một giải pháp thay thế thông minh. Thay vì chi tiền cho việc quản lý hàng tồn kho có kiểm soát nhiệt độ đắt đỏ, các công ty có thể chuyển các mặt hàng thực phẩm nhanh chóng qua chuỗi cung ứng.
Hàng tiêu dùng: Tại sao Amazon lại thành công như vậy? Bởi vì họ có hầu hết những thứ khách hàng cần, với chi phí hợp lý và khả năng đáp ứng nhanh chóng. Một trong những cách thức giúp Amazon làm được điều đó là mô hình cross-docking. Với ưu điểm là tiết kiệm chi phí lưu kho và thời gian vận chuyển, cross-docking chính là giải pháp giúp các công ty đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhanh hơn và với chi phí thấp hơn.
Ngành hóa chất: Các yêu cầu bảo quản đặc biệt khiến chúng trở nên đắt đỏ và có khả năng gây nguy hiểm. Giảm thiểu việc xử lý hàng tồn kho bằng cách đưa hóa chất đến tay khách hàng cuối sớm hơn nhờ cross-docking là kịch bản khá lý tưởng trong trường hợp này.
5. Walmart – điển hình cho ứng dụng Cross-docking
Đổi mới chuỗi cung ứng của Walmart bắt đầu bằng việc công ty loại bỏ một vài mắt xích trong chuỗi. Vào những năm 1980, Walmart bắt đầu làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất (Vendor Managed Inventory-VMI) để cắt giảm chi phí và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.
Họ triển khai cross-docking như một phần của sáng kiến VMI. Các nhà cung cấp chịu trách nhiệm quản lý trong chính các nhà kho của Walmart bằng cách theo dõi mức độ tồn kho trong kho thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung. Điều này giúp họ xác định chính xác các mặt hàng sắp hết, sau đó hàng hóa sẽ ngay lập tức được bổ sung.
Kết quả là, Walmart có thể kỳ vọng gần như hoàn thành 100% đơn đặt hàng đối với hàng hóa. Năm 1989, thương hiệu này được mệnh danh là nhà bán lẻ của thập kỷ, với chi phí phân phối ước tính chỉ bằng 1,7% chi phí bán hàng, vượt trội hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh như Kmart (3,5%) và Sears (5%).
Nhờ VMI, các nhà cung cấp của Walmart chỉ cần đưa trực tiếp đến các kho của Walmart, nơi chúng được đóng gói và phân phối ngay lập tức mà không cần lưu kho. Ví dụ trường hợp của các sản phẩm P&G, tại các trung tâm phân phối của Walmart, hàng hóa sẽ được bốc dỡ trực tiếp từ xe tải lên phương tiện vận chuyển của Walmart rồi đi thẳng đến các cửa hàng.
Việc gần như loại bỏ việc lưu trữ hàng tồn kho đã giảm đáng kể chi phí bảo quản, lưu trữ hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng hạn sử dụng ngắn, dễ hỏng. Bên cạnh đó, cross-docking cũng làm giảm chi phí vận chuyển bằng cách giảm thời gian vận chuyển (vì mỗi kho phân phối cách bất kỳ cửa hàng Walmart nào trong vòng 130 dặm) và cho phép Walmart thương lượng biên giá tốt hơn với các nhà cung cấp.
Thêm nữa, bộ phận logistics lên tới 75.000 người, với 7.800 lái xe, gần 7.000 xe tải, đã tạo nền tảng phân phối hàng hóa lớn cùng với khoảng 114 trung tâm phân phối trải rộng khắp nước Mỹ. Những đội xe tải chuyên dụng cho phép công ty vận chuyển hàng hóa từ những trung tâm phân phối đến cửa hàng chỉ trong hai ngày và bổ sung cho các kệ hàng trong cửa hàng 2 lần/tuần. Thời gian vận chuyển nhanh chóng giúp Walmart có thể đáp ứng kịp thời những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng.
Chiến lược này đã giảm đáng kể chi phí, cho phép công ty chuyển những khoản tiết kiệm đó cho khách hàng với mức giá cạnh tranh cao và trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.
Minh Ngô
ĐỌC THÊM: