Các lệnh trừng phạt và cấm vận đối với nguyên liệu thô: Đe dọa thị trường bọt biển titan
VSMPO-AVISMA của Nga là nhà sản xuất titanium lớn nhất thế giới, với công suất 34.000 tấn/năm, cung cấp sản phẩm tới thị trường 50 quốc gia và liên kết chặt chẽ với ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn cầu. Đặc biệt, nó cung cấp phần lớn các sản phẩm titan sử dụng cho vỏ máy bay của Airbus và Boeing.
Theo một thỏa thuận được ký tháng 11 vừa qua với Boeing, VSMPO “sẽ vẫn là nhà cung cấp titan lớn nhất cho máy bay thương mại Boeing hiện tại và tương lai”, công ty Nga cho biết vào thời điểm đó. VSMPO-AVISMA cũng đã ký 3 thỏa thuận dài hạn với Rolls-Royce cho giai đoạn từ 2016 – 2025, cung cấp các sản phẩm, bán thành phẩm titanium và các thiết bị làm từ hợp kim titanium, với mức doanh thu có khả năng vượt quá 300 triệu đô la. Không chỉ vậy, VSMPO còn ký hợp đồng với Aernnova Aerospace của Tây Ban Nha đến năm 2028 và Barnes Aerospace có trụ sở tại Vương quốc Anh đến năm 2026.
Tuy nhiên, căng thẳng leo thang, chuỗi cung ứng titanium có thể bị đe dọa. Hãng tin RIA trích lời ông Sergei Ryabukhin, người đứng đầu ủy ban ngân sách thượng viện Nga cho biết, Nga có thể sẽ ngừng cung cấp titan cho hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ, nếu đề xuất trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ được thông qua, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của Boeing.
Các nhà sản xuất hàng không vũ trụ châu Âu Safran và Airbus gần đây đã xem xét lại chuỗi cung ứng kim loại của mình và tìm hướng đi mới khi mua Aubert & Duval. Hay có thể kể đến những nguồn cung cấp titanium từ các nhà sản xuất khác như Toho Titanium của Nhật Bản, ATI Metals và RTI International Metals ở Mỹ. Mặc dù vậy, vẫn rất khó để rút khỏi VSMPO hoàn toàn khi quy mô thị phần và cơ sở sản phẩm của VSMPO rất lớn.
Nguồn cung Ilmenite hạn chế làm tăng cạnh tranh đối với phế liệu
Trong khi các công ty hàng không vũ trụ quốc tế đánh giá về khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn cung titan từ Nga, các câu hỏi cũng đang được đặt ra về việc Nga tiếp cận các nguyên liệu thô mà nước này sử dụng để sản xuất titan – đặc biệt là ilmenite nhập khẩu từ Ukraine thế nào khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cấm xuất khẩu sang Nga gần đây.
Trước tình trạng căng thẳng vì thiếu hụt ilmenite, VSMPO đã cố gắng tìm phế liệu chân không từ các thương nhân. Điều này đã tạo động lực mới cho việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế từ các mỏ ở châu Phi và tạo ra hoạt động mới trên thị trường phế liệu titan vốn đã eo hẹp.
Mặc dù tác động đến thị trường phế liệu, xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ferro titan hàng ngày ở cả hai quốc gia. Theo một nhà sản xuất titan của Nga, cuộc xung đột chỉ mang tính tác động đến tâm lý và cảm xúc. Một nhà sản xuất ferro titan khác của Ukraine cũng cho biết: “Mọi thứ đều ổn với chúng tôi, chúng tôi đang làm việc bình thường. Ở Ukraine, mọi thứ cũng bình lặng, ngoại trừ thực tế là tình hình căng thẳng đang leo thang”.
Đặng Trà My
Xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều quốc gia