Tăng trưởng “thần tốc”
Theo thống kê của Amazon Global Selling, lượng sản phẩm được doanh nghiệp Việt Nam bán trên nền tảng này đã tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gấp gần 10 lần. Thông qua nền tảng thương mại điện tử này, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, và rất nhiều quốc gia khác như Australia, Nhật Bản, Singapore, và Ấn Độ.
Báo cáo Thương mại điện tử năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho thấy doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 đã tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Chính điều này đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Vượt rào cản để vươn xa
Thực tế cho thấy mức độ tham gia xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế khi phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu, sức chống chịu kém trước các biến động liên tục từ thị trường.
Theo các chuyên gia, để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên trên thị trường thương mại điện tử, doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao năng lực vận hành bằng cách tự sáng tạo, thiết kế sản phẩm, hạn chế gia công nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định của thị trường tiêu dùng quốc tế. Muốn xuất khẩu thành công trên các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên liệu, công nghệ, bao bì, đóng gói và đánh giá người dùng. Doanh nghiệp Việt không thể tập trung cạnh tranh về giá hay quy mô sản xuất mà phải tập trung vào câu chuyện thương hiệu, thế mạnh về sản vật đặc trưng. Nếu chỉ dựa vào sản phẩm mà không có câu chuyện thương hiệu để tạo điểm nhấn với khách hàng quốc tế, sau thời gian rất ngắn, sản phẩm và thương hiệu dễ bị giả mạo. Đồng thời, các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu cải tiến sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Mặc dù Việt Nam có sự đầu tư chú trọng phát triển các cơ sở hạ tầng logistics nhưng việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp khu vực phía Bắc. Nguyên nhân xuất phát từ việc nguồn nhân lực chưa đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu; các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn hạn chế.
Trước tình hình này, lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, Cục định hướng đào tạo các liên kết theo ngành nghề, đào tạo kỹ năng chuyên sâu trong phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là trên nền tảng Amazon. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận các khách hàng trên thế giới để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.
Kiều Phương Linh