Khi mầm lá không phải là điềm lành
“Thay vì vải ra hoa thì lại ra mầm lá”. Đây là hiện tượng báo hiệu cho một mùa vải không mấy êm đềm ở vùng Lục Ngạn – Bắc Giang. Đây có lẽ là mùa vải thất thu nặng nề nhất trong 20 năm trở lại đây. Sản lượng sụt giảm chỉ còn gần bằng một nửa năm ngoái, dẫn đến giá thu mua vải cao nhất từ trước đến nay. Những yếu tố thời tiết bất thường được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ mùa không hề suôn sẻ này.
Vải thiều mất mùa không phải là câu chuyện mới, lại càng không phải thứ khó nhận biết. Lượng vải thiều có mặt ở các khu chợ dân sinh ở các đô thị lớn vắng bóng đáng kể. Các hệ thống siêu thị với vải chất lượng cao cũng không có tiến triển gì khá hơn – khi vải thiều tương đối vắng bóng so với mọi năm. Lí do được các bên đưa ra là giá thu mua quá cao, thậm chí gấp đôi, gấp ba, làm cho các tiểu thương, siêu thị phải thực sự cân nhắc – nhất là khi tình hình kinh tế chung tương đối ảm đạm.
Điệp khúc buồn và góc nhìn của lý thuyết
Có lẽ điệp khúc “Được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã quá quen thuộc với chuỗi cung ứng nông sản Việt. Câu chuyện đảm bảo độ ổn định về năng suất, đầu ra giá trị cao và khả năng cạnh tranh ở nhóm khách hàng khó như xuất khẩu châu Âu – Mỹ – Nhật Bản, hoặc các chuỗi siêu thị cao cấp, vẫn là một bài toán khó giải với cả nhà vườn – hợp tác xã, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Nếu nhìn vào các thương hiệu nông sản quốc gia của các nước khác, có thể thấy chúng ta vẫn còn một con đường dài để phát triển và bắt kịp. Điểm yếu nhất của nông sản Việt chính là quy trình chất lượng sau thu hoạch (post-harvest quality control), với hệ thống nhà vườn và vùng trồng đạt chuẩn quốc tế. Không thể phủ nhận rằng trong một thập niên trở lại đây, chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong khâu này, nhưng nếu so với một số hãng tiêu biểu như Zespri (New Zealand), với hệ thống post-harvest quality control cực kì khắt khe và chuyên nghiệp cho các thị trường quốc tế, thì chúng ta vẫn còn rất nhiều điều cần phải nỗ lực – đặc biệt về hệ thống chia sẻ dữ liệu và hợp tác giữa các vùng trồng.
Khi hiện tượng mất mùa được giá xảy ra, một mối lo cho vải thiều Việt Nam chính là sự gia tăng của các sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng cho các thị trường khó tính. Hiện tượng này được biết đến với cái tên “Illitcit Supply Chain” hay Chuỗi cung ứng bất hợp pháp. Khi chuỗi cung ứng thông thường không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thì những sản phẩm kém chất lượng sẽ len lỏi vào và “thế chỗ” sản phẩm đạt chuẩn. Hiện tượng này càng trở nên nghiêm trọng hơn với những chuỗi cung ứng phân mảnh (fragmented supply chain) như chuỗi cung ứng nông sản Việt, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Nó gây ra hiện tượng oversupply, gây nguy hại đến quyền lợi của khách hàng và uy tín của doanh nghiệp, khiến cho sản phẩm mất đi danh tiếng ở thị trường.
Điểm nghẽn cuối cùng là cuộc chiến trên thị trường quốc tế. Chúng ta phải cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ – hai quốc gia lớn về xuất khẩu vải. Mặc dù cơ sở để cạnh tranh với các quốc gia với dung lượng sản xuất lớn là không hề bất khả thi (như trường hợp của Zespri với Trung Quốc), nhưng việc chúng ta thiếu một “cái tên” đủ sức nặng về chất lượng, cam kết sản lượng và các yêu cầu khác, là một bài toán khó giải để cạnh tranh quốc tế.
Phá vỡ bài toán rắn cạp đuôi?
Để giải được bài điệp khúc quen thuộc của nông sản Việt, chúng ta không thiếu những mô hình, chính sách để đương đầu. Sự tiến bộ của các hợp tác xã, nhà vườn, chuyên cho xuất khẩu và siêu thị cao cấp, chính là một hướng đi hợp lý để tăng thêm tính cạnh tranh và chắc chắn cho quả vải. Tuy nhiên, khi hệ thống vườn trồng vẫn còn phân mảnh, giữa nhà vườn đạt chuẩn quốc tế, và các nhà vườn canh tác thủ công, tác bằng kinh nghiệm truyền miệng, thì việc cần có 1 sự thống nhất về mặt chính sách nhằm thúc đẩy và tạo động lực cho các nhà vườn gia nhập hợp tác xã xuất khẩu là một điều cần thiết.
Bài toán về sản lượng đầu ra có thể được giải quyết bằng việc mở rộng các vùng trồng, tiến đến cung cấp dài hơi hơn. Thực tế, việc mở rộng vùng trồng và tiến đến cung ứng cho cả năm không còn là một vấn đề mới – khi rất nhiều loại quả ở quốc tế đã được trồng đa dạng ở các vùng, khu vực, thậm chí các quốc gia khác nhau, nhằm đảm bảo nhu cầu quanh năm. Ví dụ điển hình chính là trái Kiwi của New Zealand, khi đất nước này có thể cung ứng kiwi quanh năm với vụ chính ở New Zealand và trái mùa bằng vùng trồng ở các nước Bắc Bán cầu.
Cuối cùng là khả năng cạnh tranh của chính các doanh nghiệp Việt Nam trên sân chơi quốc tế. Việc xây dựng một thương hiệu mang tính quốc gia sẽ giúp rất nhiều cho việc khẳng định chất lượng và sự độc đáo của quả vải trên đấu trường quốc tế. Việc nắm bắt được sản lượng, vụ mùa cũng như nhu cầu sẽ giúp cho người nông dân an tâm hơn trong cống hiến giá trị trong chuỗi cung ứng, cũng như góp phần cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Ngọc Thanh