Sơ đồ chuỗi cung ứng của Uniqlo
Mua hàng
Để đảm bảo nguồn cung vật liệu chất lượng cao, ổn định với chi phí thấp, Uniqlo sẽ thương lượng trực tiếp với các nhà cung ứng trên toàn thế giới và đặt hàng với số lượng lớn để đạt được tính kinh tế theo quy mô.
Với chiến lược “thời trang mang tính dài hạn”, nên Uniqlo cũng rất chú trọng vào việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nhà sản xuất chất lượng cao và sáng tạo của Nhật Bản. Cụ thể, hãng đã hợp tác chặt chẽ với tập đoàn Kaihara để cung cấp vải denim theo các tiêu chuẩn đã đặt ra hay với Toray Industries, nhà sản xuất sợi tổng hợp hàng đầu thế giới, để tạo ra sợi và vật liệu mới như HEATTECH.
Vận hành/Sản xuất
Theo đuổi triết lý tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa hiệu suất, nên Uniqlo chủ trương thuê ngoài bên thứ ba độc quyền thực hiện toàn bộ công đoạn sản xuất và gia công. Mỗi cơ sở gia công chỉ sản xuất một loại quần áo nhất định nên dễ dàng kiểm soát chất lượng hơn.
Danh sách mới được Uniqlo lần đầu tiên tiết lộ về tất cả các nhà cung cấp chính của hãng cho thấy sự hiện diện đang gia tăng ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á với 242 xưởng tại 11 quốc gia.
Trong đó, Trung Quốc chiếm hơn một nửa, với 128 địa điểm. Việt Nam xếp thứ hai với 44 nhà máy. Tiếp theo là Bangladesh với 24 nhà máy. Công ty còn có các xưởng may ở Campuchia, Indonesia, Myanmar và Sri Lanka, cũng như 6 nhà máy ở Ấn Độ, nơi Uniqlo sẽ mở cửa hàng đầu tiên vào cuối năm nay.
Điểm mạnh của Uniqlo nằm ở sự tối giản. Với loại áo jacket, Uniqlo đã tiết kiệm được 90 giây thông qua việc cắt bớt chi tiết thừa. Với 600.000 chiếc jacket được sản xuất, hãng đã tiết kiệm được một lượng thời gian và tiền bạc khổng lồ.
Để giúp mình kiểm soát chất lượng, Uniqlo thuê bên thứ ba kiểm tra trước tất cả các nguyên liệu ở giai đoạn tạo mẫu và một lần nữa trước khi sản xuất hàng loạt để xác nhận chất lượng và độ an toàn. Cuối cùng, thành phẩm một lần nữa được kiểm tra trước khi vận chuyển khỏi nhà máy.
Một nhược điểm của thuê ngoài sản xuất là khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, Uniqlo đã khắc phục vấn đề này bằng hệ thống “Takumi”. Họ gửi khoảng 400 nghệ nhân dệt may lành nghề đến các nhà máy đối tác để chia sẻ kỹ thuật và giúp duy trì tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo an toàn lao động.
Logistics
Bộ phận kiểm soát hàng tồn kho theo dõi doanh số bán hàng và tồn kho hàng tuần, sau đó điều động hàng tồn kho cần thiết để đáp ứng các đơn đặt hàng. Vào cuối mỗi mùa, giá bán sẽ được điều chỉnh lại nếu nhận thấy các sản phẩm vẫn còn tồn kho chưa bán hết. Ngoài ra, nếu doanh số một sản phẩm giảm mạnh, Uniqlo có thể sẽ chuyển nguyên liệu đó để sản xuất một loại sản phẩm khác. Ví dụ, doanh số áo len cashmere đột ngột giảm, Uniqlo có thể biến len lông dê đó thành khăn quàng cổ để bán cho khách hàng.
Không giống như Zara sử dụng hệ thống phân phối tập trung (tất cả các sản phẩm sẽ được tập hợp tại hub chính ở Tây Ban Nha), Uniqlo lại sử dụng một hệ thống phân phối theo khu vực, chủ yếu là ở châu Á, đảm bảo (transit time) không quá 6 ngày, với bán hàng trực tuyến là không quá 1 ngày.
Không sai khi nói rằng: “Uniqlo không phải là một công ty thời trang, nó là một công ty công nghệ”. Vào năm 2018, 90% nhân công tại một trung tâm phân phối ở Tokyo đã bị thay thế bằng robot. Công nghệ đã cho phép Uniqlo rút ngắn thời gian từ khâu đặt hàng cho đến khâu vận chuyển chỉ trong vòng 15 phút, tiết kiệm tối đa 95% thời gian (trước đây quá trình này phải mất từ 8 tiếng đến 16 tiếng đồng hồ).
Bên cạnh đó, với sứ mệnh đề cao chất lượng sản phẩm, Uniqlo sẵn sàng thu hồi hoặc hủy toàn bộ đơn hàng, nếu như phát hiện có sai sót làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng.
Market Channel
Thay vì chạy theo xu hướng, Uniqlo tập trung vào triết lý “sản xuất cho tất cả”. Sản phẩm của hãng chú trọng sự đơn giản, thiết yếu và phổ biến với vòng đời dài hơn.
Để tăng doanh số bán hàng, thương hiệu đã áp dụng chính sách giá thâm nhập, giữ giá sản phẩm của mình ngang bằng với đối thủ. Cộng thêm chất lượng vượt trội, Uniqlo luôn chiếm được thị phần tương đối lớn trên thị trường.
Hiện tại, Uniqlo sở hữu khoảng hơn 2000 cửa hàng trên toàn thế giới, bao gồm châu Á, châu Đại Dương, Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Trong đó, thị trường châu Á đang là mũi nhọn của thương hiệu này.
Ngoài ra, Uniqlo còn đang mở rộng các dịch vụ từ trực tuyến đến ngoại tuyến (O2O) để kết hợp cửa hàng thực và mạng thương mại điện tử. Khách hàng có thể chọn mua hàng trực tuyến ngay tại một cửa hàng Uniqlo sau khi đã chọn được sản phẩm phù hợp với mình. Dịch vụ hai chiều này góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng.
Các nhà lãnh đạo của Uniqlo hiểu rằng văn hóa địa phương là yếu tố rất quan trọng khi thâm nhập một thị trường mới. Vì thế, thương hiệu cũng phải thay đổi các chiến lược truyền thông phù hợp với từng khu vực. Cụ thể, Uniqlo sẽ truyền thông bằng Twitter và Facebook để truyền thông cho khách hàng Anh và Mỹ. Tuy nhiên, tại Trung Quốc hãng lại chuyển qua Renren, một nền tảng mạng xã hội phổ biến hơn.
Minh Ngô
Đọc thêm:
Quản trị chuỗi cung ứng: Chìa khóa cho kỷ nguyên chinh phục không gian vũ trụ