Chuyến hàng này do Công ty TNHH vận hành tàu Sinotrans – tập đoàn vận tải đa phương thức lớn nhất của Trung Quốc, đảm nhận thực hiện vận chuyển phía Trung Quốc và đối tác đảm nhận vận chuyển bên Việt Nam là Ratraco.
Đoàn tàu gồm 41 toa chở container 40HC (container cao, 40 feet) xuất phát từ Quảng Châu – thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với điểm kết thúc hành trình là ga Yên Viên (Hà Nội). Hàng hóa chủ yếu là nguyên liệu sản xuất, đồ gỗ nội thất, tổng trị giá 94.400 USD (2,1 tỷ đồng).
Đây là đoàn tàu đầu tiên khai trương tuyến vận tải nối khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Macao tới các nước ASEAN, theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó TGĐ Công ty Ratraco thông tin với Báo Giao Thông. Trước đó, vào ngày 31/3, một đoàn tàu container với 41 toa do Sinotrans tổ chức đã xuất phát từ tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) sang Việt Nam nhằm khai trương tuyến vận tải đường sắt kết nối các khu vực dọc tuyến này. Từ đây, hàng hóa sẽ được đi tiếp đến các nước ASEAN khác như Lào, Campuchia,…
Theo Tân hoa xã (hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc), khi khai trương đoàn tàu, đại diện Sinotrans cho rằng dịch vụ tàu hỏa chở hàng quốc tế này định hướng trở thành một kênh quan trọng để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu thông suốt trong dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, tuyến vận tải này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đối với những đất nước và khu vực dọc “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Cơ hội liên vận quốc tế đường sắt
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ách tắc vận chuyển hàng hóa giữa các nước vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng đó là ách tắc kênh đào Suez, nhiều chủ hàng đã tìm đến vận tải đường sắt vì ưu thế chuyên chở khối lượng lớn, đi xa, thời gian ngắn và ít rủi ro hơn đường biển. Chi phí vận tải bằng đường sắt cũng hợp lý hơn, nhất là với những mặt hàng cần thời gian giao hàng nhanh như trái cây, thủy sản tươi sống, hay cần điều kiện bảo quản cao như linh kiện điện tử.
Theo ông Daesung Kim, Giám đốc Công ty TNHH MTL Việt Nam – doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên vận chuyển logistics hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu bằng cả đường sắt và đường biển cho biết, dù giá cước vận tải của 2 phương thức tương đương nhau nhưng thời gian đi bằng tuyến đường sắt Á – Âu ngắn hơn một nửa so với đường biển.
“Lợi thế này là lý do để chúng tôi chuyển khoảng 20% hàng hóa từ đường biển sang đường sắt trong năm 2020 và tiếp tục có kế hoạch tăng thêm lên 50% trong năm nay. Chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, vận chuyển cả cho các doanh nghiệp khác bằng tuyến đường sắt liên vận Á – Âu”, ông Daesung Kim nói.
Có thể thấy, nhiều tập đoàn vận tải đa quốc gia đã đến tìm hiểu và đàm phán ký kết thỏa thuận hợp tác về việc tổ chức vận tải liên vận quốc tế từ Việt Nam sang Trung Quốc. Sau đó, kết nối vào các đoàn tàu Á – Âu để giảm bớt ách tắc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, hình thành tuyến vận tải đa phương thức mới.
Nắm bắt cơ hội này, ông Tăng Văn Dũng, Phó trưởng ban Quan hệ quốc tế – KHCN Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, không chỉ hàng hóa 2 chiều từ Việt Nam qua Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba, ngành đường sắt đang tìm kiếm và đẩy mạnh khai thác hàng hóa từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Lào, Campuchia quá cảnh Việt Nam đi nước thứ ba và ngược lại bằng đường sắt.
Vì vậy, 4 tháng đầu năm 2021 sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế tăng đột biến. Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua 2 cửa khẩu Lào Cai – Sơn Yêu và Đồng Đăng – Bằng Tường đạt 336,7 ngàn tấn, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu 156,5 ngàn tấn, bằng 115%; nhập khẩu 180,2 ngàn tấn, bằng 129%. Riêng container xuất đạt 2.792 TEU, container nhập đạt 1.140 TEU; trong đó, số lượng container quá cảnh Trung Quốc đi tiếp đến châu Âu là 584 TEU.
Nội dung: Vân Anh | Biên tập: Tú Anh |