1. Chứng chỉ quản lý chuỗi cung ứng chuyên nghiệp (CSCP)
CSCP (Certified Supply Chain Professional) là chứng chỉ uy tín hàng đầu thế giới về quản lý chuỗi cung ứng do APICS chứng nhận. Được APICS giới thiệu lần đầu năm 2006 và hiện nay đã có hơn 16,000 chuyên gia tại 79 quốc gia đã lấy được chứng chỉ này.
CSCP cung cấp các công cụ cần thiết để quản lý hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu, các kiến thức về sử dụng tối ưu nguồn lực doanh nghiệp thông qua hệ thống ERP và các công nghệ khác để cải thiện toàn bộ quá trình chuỗi cung ứng.
CSCP được nhiều người lựa chọn và chứng chỉ này cũng đang chứng minh được lợi ích của nó khi vẫn có đến 95% các chuyên gia chuỗi cung ứng giữ được công việc ngay cả trong đại dịch Covid và có mức lương cao hơn 27% so với những người không có chứng chỉ.
Điều kiện để có thể học và lấy được chứng chỉ CSCP thì cần có ít nhất 3 năm kinh nghiệm kinh doanh, bằng cử nhân hoặc các chứng chỉ CPIM, CLTD, CPSM… còn hiệu lực.
2. Chứng chỉ trong sản xuất và quản lý hàng Tồn Kho (CPIM)
CPIM (Certified in Production and Inventory Management) là chứng chỉ Quốc tế về Quản lý Sản xuất và Tồn kho được APICS chứng nhận. Đây là một chứng chỉ khá phổ biến và có đến 87% nhà Quản lý cấp cao trong Chuỗi cung ứng lựa chọn chứng chỉ này.
CPIM cung cấp kiến thức về quy trình quản lý sản xuất và hàng tồn kho trong doanh nghiệp, cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và áp dụng công nghệ để cải tiến chuỗi cung ứng.
Các chương trình CPIM không yêu cầu bằng đại học – cao đẳng. Tuy nhiên muốn lấy được chứng chỉ CPIM thì cần tham gia và vượt qua 2 kì thi gồm CPIM part 1 và CPIM part 2 trong vòng 3 năm.
Theo thống kê của ASCM, những người có CPIM có mức lương cao hơn 14% so với những người không có CPIM.
3. Chứng chỉ trong Logistics, Vận tải và phân phối CLTD
CLTD là chứng chỉ trong Logistics, vận tải và phân phối được chứng nhận bởi APICS. CLTD cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có hiểu biết sâu sắc về các chiến lược tốt nhất để hợp lý hóa hoạt động Logistics, vận chuyển và phân phối. CLTD tập trung vào quản lý kho hàng, theo dõi hàng tồn kho và đặt hàng.
4. Chứng chỉ chuyên nghiệp trong quản lý nguồn cung ứng (CPSM)
CPSM (Certified Professional in Supply Management) là chứng chỉ chuyên nghiệp trong quản lý nguồn cung ứng và được Viện Quản lý cung ứng ISM – hiệp hội quản lý cung ứng lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới chứng nhận.
CPSM tập trung nhiều vào hoạt động “Procurement” (Quá trình lập kế hoạch, xây dựng chiến lược mua hàng và duy trì hoạt động mua hàng. Bao gồm: lên kế hoạch mua hàng, tìm kiếm nguồn hàng, lựa chọn nhà cung cấp, v.v.). CPSM sẽ giúp nghiên cứu các phương thức mua sắm, quản lý hợp đồng, quản lý tài chính, v.v.
Để có thể tham gia các chương trình CPSM thì bạn cần có ít nhất 3 năm kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng full-time và làm việc ở vị trí không phải là thư kí hay “support” và CPSM sẽ có hiệu lực 4 năm.
Theo khảo sát về mức lương của ISM năm 2018 cho biết các chuyên gia có CPSM có mức lương trung bình cao hơn 14,7% so với những người không sở hữu chứng chỉ này.
5. Chứng chỉ của hiệp hội các chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng CSCMP- SCPro
SCPro là chứng chỉ của hiệp hội các chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng CSCMP. SCPro gồm ba cấp đánh giá kiến thức và kỹ năng tiến bộ trong các hoạt động chuỗi cung ứng tích hợp. Chứng chỉ này xác nhận khả năng của một cá nhân trong việc phân tích các nghiên cứu điển hình, xác định các thách thức của tổ chức, phát triển các cải tiến cho các hoạt động của chuỗi cung ứng và thực hiện kế hoạch dự án đạt được kết quả chiến lược.
Mỗi cấp độ của quy trình chứng nhận này có các yêu cầu cụ thể về điều kiện dự thi:
- SCPro Level One: yêu cầu bằng đại hoc hoặc bốn năm kinh nghiệm chuyên môn trong quản lý chuỗi cung ứng.
- SCPro Level Two: Analysis and Application of Supply Chain Challenges – yêu cầu có chứng chỉ level 1 cũng như bằng đại học và ba năm kinh nghiệm chuyên môn hoặc bảy năm kinh nghiệm trong quản lý chuỗi cung ứng.
- SCPro Level Three: Initiation of Supply Chain Transformation- yêu cầu có chứng chỉ level 1 và level 2, bằng đại học, năm năm kinh nghiệm chuyên môn hoặc 9 năm kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng.
SCPro mang lại lợi ích lâu dài, cơ hội thăng tiến trong công việc và giúp giải quyết nhiều vấn đề, quản lý dự án tốt hơn.
6. Chứng chỉ FIATA về Giao nhận Vận tải Quốc tế
Chứng chỉ về Giao nhận Vận tải Quốc tế được cấp bởi Liên đoàn Các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) – tổ chức giao nhận vận tải lớn nhất thế giới, với trên 150 quốc gia thành viên và có giá trị toàn cầu. Đây là loại chứng chỉ có giá trị trong thời gian không bị hạn chế.
Quản lý giao nhận vận tải quốc tế là một hoạt động đóng vai trò then chốt trong chuỗi dịch vụ logistics toàn cầu nhằm đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy chứng chỉ này đem lại rất nhiều lợi ích mà đối với bất kỳ người làm về logistics đều mong muốn.
Người đạt được chứng chỉ của FIATA sẽ cần nắm được những kiến thức về giao nhận vận tải quốc tế, vận hành kho bãi, vận tải biển, vận tải container đường biển, vận tải đa phương thức, thủ tục hải quan, an ninh và an toàn, công nghệ thông tin trong Giao nhận, v.v. Do đó, chứng chỉ này còn mang lại nhiều cơ hội như tham gia vào mạng lưới logistics Việt Nam, cơ hội làm việc, thực tập ở các công ty lớn, v.v.
Chứng chỉ của FIATA không yêu cầu kinh nghiệm, đối tượng có thể là sinh viên các ngành kinh doanh quốc tế, ngoại thương, logistics, v.v. hoặc là quản lý, nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực logistics, xuất nhập khẩu, sản xuất.
7. Six Sigma
Không giống như các loại chứng chỉ khác, 6 Sigma là chứng chỉ không gắn liền với một tổ chức cụ thể và không có chương trình giảng dạy Six Sigma tiêu chuẩn. Các chương trình được cung cấp bởi nhiều trường cao đẳng, trực tuyến và được cung cấp nội bộ nhiều tập đoàn.
Six Sigma là một khuôn khổ cho phép các công ty cải thiện năng lực của các quy trình kinh doanh, bao gồm cả chuỗi cung ứng của họ. Điều này đặc biệt đúng khi Six Sigma được kết hợp với các nguyên tắc “tinh gọn” (Lean) được thiết kế để giảm lãng phí và cải thiện hiệu suất. DHL, Ryder, 3M, GE và Xerox nằm trong danh sách dài các công ty đã sử dụng Six Sigma để tối ưu hóa hoạt động của họ.
Six Sigma tập trung vào việc phát triển các quy trình quản lý một cách đáng tin cậy dẫn đến kết quả hầu như không có sai sót trong sản xuất hoặc trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Các cấp độ Six Sigma liên quan tương ứng đến vị trí trong doanh nghiệp mà nhân viên đảm nhiệm trong một tổ chức.
Hồng Đào
ĐỌC THÊM: