“Cơn khát” sản phẩm chip AI
Sau thành công của ChatGPT, hàng loạt ông lớn như Google, Microsoft, Meta cũng chi hàng tỷ USD để phô diễn những bước tiến mới của mình. Theo Reuters, Generative AI, hay AI tạo sinh, đang trở thành từ khóa được giới công nghệ quan tâm hàng đầu và được cho là sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người tương tác, làm việc. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống AI phức tạp đòi hỏi số lượng chip khổng lồ. Đặc biệt là GPU bởi vì trong lập trình AI, chip đồ họa GPU chiếm ưu thế so với CPU nhờ khả năng tiến hành song song hàng loạt tính toán.
Chính điều này đã đưa Nvidia, tập đoàn chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) của Mỹ, trở thành ngôi sao sáng nhất về phần cứng. Việc các công ty công nghệ lớn và những công ty khởi nghiệp về AI đều ồ ạt mua chip của Nvidia, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, số lượng công ty có đủ năng lực kỹ thuật để sản xuất chip tiên tiến là rất ít, thậm chí chỉ một số lượng nhỏ có khả năng sản xuất chip tiên tiến cho trí tuệ nhân tạo. Việc thiếu các lựa chọn cung cấp cùng với nhu cầu tăng nhanh và đáng kể đã gây ra tình trạng thiếu hụt hiện tại.
Tuy nhiên, theo TSMC – nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới và là nguồn cung chính cho Nvidia, tình trạng thiếu hụt chip AI chỉ là tạm thời và có thể giảm bớt vào cuối năm nay. Chủ tịch của TSMC (Mark Liu) cho rằng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm AI, ngành công nghiệp bán dẫn nên chấp nhận sự thay đổi về hình thức kết nối, đóng gói và xếp chồng chip.
Triển vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Sau cuộc suy thoái bắt đầu từ năm 2022 đến giữa năm 2023, ngành công nghiệp bán dẫn trong năm 2024 được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo. Theo thống kê thị trường bán dẫn thế giới (WSTS), ngành bán dẫn toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 13% so với năm ngoái lên 588,3 tỷ USD, vượt qua mức kỷ lục trước đó của năm 2022. Tăng trưởng thị trường sẽ diễn ra trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 do nhu cầu cao đối với chip bán dẫn cho sự phát triển trí tuệ nhân tạo AI. Khi nhu cầu bán dẫn phục hồi, năng lực sản xuất của các tập đoàn, doanh nghiệp bán dẫn cũng dự kiến tăng mạnh.
Hàn Quốc giảm lượng tồn kho
Cụ thể, số liệu từ Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc cho thấy trong tháng 4 tồn kho chất bán dẫn của nước này đã giảm 33,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, xuất khẩu bán dẫn của Hàn Quốc trong giai đoạn này đã tiếp tục phục hồi. Sản lượng bán dẫn trong tháng 4 tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023 và các lô hàng xuất xưởng của nhà máy cũng tăng 18,6% trong thời gian này. Những ông lớn trong ngành này của Hàn Quốc bao gồm Samsung Electronics và SK Hynix, những công ty bán dẫn bộ nhớ lớn nhất thế giới, đều đang cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp của Nvidia.
Đài Loan tăng mạnh về doanh thu
Công ty thống trị lĩnh vực đóng gói chip bán dẫn tiên tiến của Đài Loan, TSMC, mới đây cho hay doanh thu tháng 4/2024 đã tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu là nhờ làn sóng chất bán dẫn tiên tiến được sử dụng trong các phần cứng tích hợp AI. Trước nhu cầu tăng mạnh của thị trường, TSMC lên kế hoạch xây dựng một cơ sở trị giá 2,9 tỷ USD ở Miaoli (Đài Loan) nhằm nâng cao hiệu suất đóng gói. Đồng thời, con chip nhỏ mạnh nhất thế giới được hãng dự kiến sẽ ra mắt vào năm tới – thứ đột phá cần thiết cho trí tuệ nhân tạo.
Kiều Phương Linh