Hiệu ứng cái roi da là gì?
Hiệu ứng cái roi da, hay còn gọi là “hiệu ứng thương mại” (bullwhip effect) trong quản lý chuỗi cung ứng, thường diễn ra khi các biến động về cung cầu được truyền từ khách hàng cuối cùng đến nhà cung cấp đầu tiên dưới dạng biến động lớn hơn so với thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng biến động đột ngột và không ổn định trong việc sản xuất, lập kế hoạch và quản lý hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng.
Theo đó, thông tin về nhu cầu của khách hàng khi được truyền tải ngược trở lại chuỗi cung ứng sẽ mang tính chất như những “gợn sóng”, với mỗi chủ thể trung gian sẽ dự báo lượng cầu lớn hơn một chút nhằm đảm bảo có đủ lượng hàng để bán. Theo từng đại lý trung gian, lượng cầu bị biến đổi theo xu hướng khuếch đại, và khi thông tin về nhu cầu đến tay được nhà cung ứng cấp cuối thì đã bị bóp méo và sai sót nhiều lần.
Khi nguồn dự báo nhu cầu của các đại lý trung gian là không chính xác, thông tin không chính xác sẽ được truyền qua lại trong chuỗi cung ứng và đồng thời lại ảnh hưởng khiến những dự báo nhu cầu của từng chủ thể trở nên không chính xác, vì nguồn đặt hàng của chủ thể này lại chính là dữ liệu dự báo của người kia. Điều này đã gây ra sự biến động không cần thiết trong quá trình đặt hàng, khiến lúc thì hàng hóa đặt trở nên lớn hơn nhu cầu, lúc lại thiếu hàng hóa cung cấp.
Vấn đề không nhất quán về dự báo cũng có thể được quy cho sự thiếu liên kết về thông tin, khiến cho việc liên kết cung-cầu giữa các nhà cung cấp bị đứt gãy, từ đó làm nguồn dự báo nhu cầu trở nên không chính xác, dẫn đến nhiều tác hại không đáng có đến từ các đợt gợn sóng nhu cầu “ảo” này.
Tại sao hiệu ứng này lại gây ra vấn đề đứt gãy trong đại dịch?
Dự báo và vấn đề trong đại dịch
Một mặt, nhu cầu đối với một số mặt hàng tăng đột ngột khiến cho các phương thức dự báo truyền thống trong thời gian Covid 19 trở nên vô hiệu quả. Sự dịch chuyển về đường cầu một cách mạnh mẽ làm vô số các mặt hàng thiết yếu trở nên thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung, dẫn đến tình trạng “trống kệ”.
Tâm lý hoang mang chung của người tiêu dùng đã đẩy nhu cầu của một số mặt hàng make-to stock vốn rất ổn định trở nên dao động đến mức bất ngờ. Cũng vì thế, vào những tháng đầu năm 2021, mặt hàng khẩu trang, giấy vệ sinh, thực phẩm ăn liền…trở nên khan hiếm. Tại một số nơi trên thế giới, giá của các mặt hàng này bị đẩy lên mức gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với bình thường.
Cũng vì thế, các siêu thị, các đại lý bắt đầu đặt hàng hàng loạt đối với các sản phẩm này. Nhằm đáp ứng một nguồn nhu cầu khổng lồ, các chủ thể trung gian trong chuỗi cung ứng không ngừng đặt hàng nhiều hơn so với số lượng nhu cầu đã định sẵn. Cũng vì thế, lượng đặt hàng khi đến tay nhà sản xuất đầu nguồn đã bị khuếch đại và dường như trở nên quá nhiều so với khối lượng nhu cầu chung.
Tuy nhiên, việc đặt hàng trong thời kỳ đại dịch cũng trở nên hết sức khó khăn, với những lệnh cách ly toàn xã hội, khiến hoạt động logistics bị đình trệ, trong khi các nhà máy thì buộc phải ngừng hoạt động. Nguồn nhân lực bị thiếu hụt nghiêm trọng, sự tắc nghẽn tại hầu hết các cảng lớn trên thế giới dẫn đến việc chuỗi cung ứng bị đình trệ, và phải đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng sau khi nhu cầu của khách hàng đã được ổn định lại, thì hàng mới được giao tới tay các đại lý bán.
Hiệu ứng cái roi da đã khiến cho nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực của phá sản đơn giản chỉ bởi vì số lượng hàng tồn kho trở nên quá nhiều sau đợt dịch Covid 19. Việc dự đoán một lượng nhu cầu dư ra nhiều lần so với mức nhu cầu thực tế đã làm tăng đáng kể các đơn hàng tồn của nhiều chủ doanh nghiệp trên thế giới, từ đó đẩy các công ty này vào một thế khó, chính là bài toán quản lý hàng tồn kho.
Quản lý hàng tồn: Bài toán đau đầu, hậu quả của cái roi da:
Vấn đề về việc đặt hàng quá mức hay đặt hàng quá ít gây ra bởi sự biến động nhạy cảm về nhu cầu đã tạo nên cho doanh nghiệp nhiều bài toán đau đầu về việc kiểm soát lượng hàng tồn kho của mình.
Một số chủ thể trong chuỗi cung ứng đã bị đẩy vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi mà đơn đặt hàng các sản phẩm có nhu cầu cao vào thời điểm bắt đầu dịch, trớ trêu là khi nhu cầu đã bình ổn lại rồi các mặt hàng này mới bắt đầu được giao vào kho. Cũng vì lý do này, lượng hàng hóa dư thừa sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trở thành hàng tồn kho, và hàng ngày vẫn “hút máu” doanh nghiệp với lượng chi phí lưu kho khổng lồ. Nếu để ý, một số doanh nghiệp trong thời kỳ Covid 19 đã bị đẩy vào trường hợp phải tiêu hủy một phần hàng tồn kho của mình do chi phí lưu kho quá lớn, cũng như loại hàng này đã hết hạn sử dụng.
Ngoài ra, các lệnh giãn cách xã hội, các vấn đề về nhân sự cũng như hạn chế trong khâu logistics cũng đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ không thể điều hành chuỗi cung ứng của mình một cách tối ưu, từ đó khiến việc tồn kho hàng hóa trở thành một mối nguy cơ chí mạng đối với các doanh nghiệp đang buộc phải thích nghi với một thời gian đại dịch Covid 19 đầy biến động.
Ngược lại, nhiều chủ thể trong chuỗi cung ứng lại không dự trữ đủ hàng hóa do việc nhu cầu tăng vọt không kiểm soát được. Điều này dẫn đến vấn đề thiếu hụt hàng hóa trong các siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi, một tình trạng đã xảy ra khá phổ biến trong thời kỳ covid 19.
Vòng lặp về việc đặt hàng – thừa hàng lại càng được gia tăng khi mà nhu cầu của người tiêu dùng trong đợt covid 19 càng có xu hướng biến động lên xuống khôn lường theo tình trạng của đại dịch. Trong thời điểm cầu lên xuống kịch liệt, hiệu ứng cái roi da đã làm một số nhà sản xuất phải chạy hết công suất, liên tục nhiều ngày đêm mới đủ lượng đơn đặt hàng, trong khi ở đầu nguồn, hàng loạt các siêu thị lại ngày đêm thiếu hàng do hiệu ứng mua theo đám đông của người tiêu dùng.
Nhật Minh