Dự án thành lập hai hành lang đường thuỷ phía Nam
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến đường thủy nội địa chính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do tỷ trọng đầu tư cho lĩnh này so với các lĩnh vực giao thông khác còn hạn chế dẫn đến các tuyến chưa được đầu tư đồng bộ gây ảnh hưởng đến năng lực thông qua các tuyến kênh.
Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam. Dự án nhằm cải tạo hành lang Đông – Tây đi từ TP.HCM đến Cần Thơ và hành lang Bắc – Nam đi từ cảng Đồng Nai đến cụm cảng Cái Mép Thị Vải.
Hành lang Đông – Tây có thể đáp ứng tàu tự hành đến 600 tấn, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông. Hành lang Bắc – Nam đáp ứng được tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.
Theo đó, việc nâng cấp hành lang Đông- Tây sẽ giảm khoảng cách vận chuyển giữa cảng Cần Thơ và cảng TP.HCM khoảng 30%. Cải thiện hành lang Bắc – Nam sẽ kết nối trực tiếp Đồng bằng sông Cửu Long và vùng nội địa với cảng nước sâu chính của Việt Nam. Điều này tạo điều kiện cho việc chuyển dịch lượng lớn hàng hoá vận tải đường bộ sang đường thuỷ nội địa với mức chi phí thấp hơn, từ đó, hàng hoá xuất khẩu trên tuyến đường này sẽ có giá cả cạnh tranh hơn, thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển dịch trên là rất quan trọng để giảm lượng khí thải carbon trong ngành vận tải của Việt Nam.
Đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội của dự án
Để tiến tới ký hiệp định vay vốn cho dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy lập Kế hoạch Cam kết môi trường và xã hội (ESCP). ESCP quy định chi tiết các hành động, giải pháp, khung thời gian đối với các nhiệm vụ: Đánh giá, quản lý rủi ro, tác động môi trường và xã hội; Lao động và điều kiện làm việc; Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, phòng chống và kiểm soát ô nhiễm; An toàn sức khỏe cộng đồng; Thu hồi đất, những hạn chế sử dụng đất và tái định cư không tự nguyện.
Cùng đó là các nhiệm vụ: Bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên sống; Dân tộc thiểu số/ các cộng đồng địa phương truyền thống khu vực; Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động lên di sản văn hóa…
Nguyễn Thanh Tùng Nguyên