Đức là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Đức vẫn luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đây là thị trường lớn thứ 2 tại EU và đứng thứ 7 thế giới của xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020. Xét trên góc độ nhập khẩu, quốc gia này là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 2 EU và thứ 14 thế giới của nước ta.
Dựa vào cơ cấu nguồn hàng và đặc điểm môi trường có thể thấy rằng Việt Nam có thế mạnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp nhẹ, sản phẩm tiêu dùng và nông sản thực phẩm. Trong khi đó, Đức là nước thường xuyên phải nhập khẩu các mặt hàng này.
Ở một khía cạnh khác, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu cao đối với các sản phẩm từ ngành công nghiệp nặng của Đức như nguyên nhiên liệu và máy móc thiết bị. Những mặt hàng này có cơ cấu sản phẩm bổ sung cho nhau mà không cạnh tranh, đó là yếu tố tất yếu cần duy trì trong quan hệ thương mại.
Theo chia sẻ tích cực của bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong năm đầu thực thi EVFTA, Việt Nam đã tận dụng được nhiều lợi thế từ hiệp định này. Việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường Đức đã tăng mạnh như máy móc và thiết bị (tăng 83,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 71,6%); sắt thép (tăng 53,2%); máy tính và điện tử (tăng 34%); thủy sản (tăng 15,5%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng C/O EUR.1 có sự tăng dần theo thời gian cho thấy EVFTA ngày càng phát huy ảnh hưởng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Một số mặt hàng có tỷ lệ kim ngạch sử dụng C/O trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU cao có thể kể đến như giày dép, thuỷ sản v.v đều trên 70%.
Đây là “những con số biết nói” bởi nó cho thấy Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong một năm qua để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Đức.
Kỳ vọng tăng trưởng đột phá trong thương mại Việt Nam – Đức
Trong tương lai, quan hệ thương song phương Việt Nam – Đức hứa hẹn sẽ có một bước tăng trưởng đột phá. Lý giải cho sự kỳ vọng này, EVFTA là một FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa cao. Cụ thể, trong thời gian tới, EVFTA sẽ tiến tới xóa bỏ 99,2% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Đức và tiết giảm 98,3% số dòng thuế cho các sản phẩm của Đức nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc EVFTA bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam và 12 sản phẩm của Đức giúp các sản phẩm này gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường hai bên.
Ngoài ra, EVFTA cũng đưa ra nhiều cam kết khác về hải quan, vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật, v.v giúp thiết lập các tiêu chuẩn và nguyên tắc thuận lợi hóa thương mại, tạo điều kiện cho Việt Nam và Đức thâm nhập thị trường của nhau.
Ngoài những mặt hàng có tỷ lệ kinh ngạch sử dụng C/O cao còn một số mặt hàng thế mạnh có tỷ lệ sử dụng C/O chưa đạt mức kỳ vọng như gỗ và dệt may. Nguyên nhân bởi doanh nghiệp gỗ vẫn đang sử dụng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) tại thị trường EU. Còn đối với dệt may, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Ông Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam đưa ra 3 nguyên tắc mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức thông qua EVFTA đó là: Thứ nhất, khai thác cơ hội từ nâng cao năng lực sản xuất nội địa thay vì chỉ tăng năng lực xuất khẩu. Thứ hai, hợp tác liên kết với doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì chỉ tìm kiếm “đại bàng”. Cuối cùng, công nhận tiêu chuẩn EU thay vì chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Huyền Tú
Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) thúc đẩy sự gia tăng vốn FDI từ EU vào Việt Nam