ESG – chìa khóa để vào các thị trường lớn
ESG (E-môi trường, S-xã hội, G-quản trị) và Kinh tế tuần hoàn đang được xem là cuộc cách mạng xanh của thế kỷ 21. Hiện nay, dệt may là ngành có nhiều quy định, tiêu chuẩn liên quan tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh nhất trên thế giới. Lý do là ngành này có phát thải lớn, trung bình một năm có khoảng 100 triệu tấn rác thải rắn từ quần áo cũ. Trong đó, riêng Trung Quốc mỗi năm tạo ra khoảng 30 triệu tấn, Mỹ khoảng 20 triệu tấn.
Cụ thể, ở Mỹ đã có Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ từ năm 2021 nhằm giám sát chặt chẽ hơn chuỗi cung ứng, ngăn chặn sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực có lao động cưỡng bức. Chính phủ Hoa Kỳ cũng có luật về bảo vệ nhân viên ngành may và buộc tất cả các nước xuất khẩu quần áo sang Mỹ phải tuân thủ. Ngoài những quy định đã có hiệu lực, Luật thúc đẩy trách nhiệm thay đổi thiết thực trong tổ chức cũng đã được đệ trình ở Mỹ. Luật này yêu cầu các bên tham gia chịu trách nhiệm về vi phạm tiền lương để khuyến khích sản xuất có trách nhiệm; đặt mức lương tối thiểu theo giờ và loại bỏ mức lương từng phần.
EU cũng có cho mình kế hoạch hành động mới về Kinh tế tuần hoàn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, đổi mới công nghiệp, thúc đẩy thị trường dệt may EU phát triển bền vững. Kế hoạch này bao gồm những quy định về Thỏa thuận xanh châu Âu, Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may, Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp. EU cũng đưa ra Quy định về đóng gói và chất lượng đóng gói nhằm xem xét toàn bộ vòng đời bao bì và đảm bảo rằng tất cả các bao bì đều an toàn, bền vững và có thể tái chế. Đặc biệt EU đưa ra Quyền sửa chữa, tức là nhà sản xuất có trách nhiệm sửa chữa sản phẩm lỗi nếu người tiêu dùng có yêu cầu.
Dệt may bền vững – một hành trình không dễ
Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn gặp nhiều rào cản trong việc đầu tư thực hiện ESG và kinh tế tuần hoàn do hành lang pháp lý trong nước còn hạn chế. Những chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG vẫn còn thiếu. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế. Dữ liệu ESG về môi trường và xã hội cũng chưa được chuẩn hóa để phục vụ cho các thị trường lớn trên thế giới. Hệ thống tài chính cho phát triển ESG còn non trẻ, khiến các dự án dệt may xanh gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn.
Theo Tiến sĩ Trương Thị Ái Nhi – chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động xuất khẩu nhưng dệt may Việt Nam đang nằm ở vị thế dễ bị tổn thương. Do Việt Nam chủ yếu gia công sản phẩm, chưa làm chủ được nguồn cung và chưa nắm được đầu ra của sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành chỉ đạt khoảng 30-35%. Với các nguyên liệu tái chế để sản xuất, nguyên liệu xanh, doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu chứ chưa thể tự sản xuất. Việc chưa tự chủ được nguồn cung nguyên liệu khiến doanh nghiệp chưa thể khai thác triệt để lợi thế của ngành.
Khâu dệt nhuộm chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, những nỗ lực bền vững hóa các dự án dệt – nhuộm chưa được ghi nhận, cấp phép và đồng hành từ một số địa phương.
Sự kết nối trong và ngoài ngành để tạo ra hệ sinh thái tuần hoàn bền vững cho dệt may chưa được hình thành. Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và cố vấn phục vụ cho việc chuyển đổi vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thực trạng này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần có những thể chế chuẩn hóa các tiêu chuẩn ESG và chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo xu thế bền vững. Về phía doanh nghiệp, chủ động thích ứng, chuyển đổi xanh trong từng khâu sản xuất và chuẩn bị những điều kiện đầy đủ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp dệt may Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh tại các thị trường khó tính như EU và Mỹ.
Kiều Phương Linh