Lý giải nước đi
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động phức tạp, Trung Quốc đã có sự thay đổi về chính sách đối với cách tiếp cận thị trường, cũng như đẩy mạnh hình thức TMĐT. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng nước này bị gián đoạn do mất đi thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường châu Mỹ và châu Âu.
Khi các hoạt động sản xuất được phục hồi, lượng hàng hóa tồn kho trong nước tăng lên, Trung Quốc tìm đến các thị trường tiêu thụ khác như Đông Nam Á, mà trong đó Việt Nam là nơi “màu mỡ” nhất.
Việc các kho hàng cận biên “ồ ạt” mọc lên sẽ giúp hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh chóng và dễ dàng hơn mà không cần qua các đơn vị trung gian. Để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho ngành TMĐT, trong những năm qua Trung Quốc đã xây dựng hệ thống logistics vượt trội, cùng những chính sách khuyến khích phát triển giúp giảm thiểu chi phí, cung cấp hàng hóa với giá cả phải chăng.
Giải mã ưu thế
Nhờ sở hữu hệ thống đường bộ và đường sắt vượt bậc, tốc độ giao hàng từ Trung Quốc đến Việt Nam thậm chí còn nhanh hơn từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Các doanh nghiệp TMĐT thiết lập hệ thống kho, trung tâm phân phối trên khắp trên cả nước nên người mua có thể nhận hàng ở trung tâm phân phối gần nhất. Các đơn hàng người mua không nhận sẽ được lưu kho tại Việt Nam thay vì trả hàng về Trung Quốc, nhờ vậy người mua mới sẽ được nhận hàng nhanh hơn và thậm chí được miễn phí vận chuyển.
Về công nghệ, công đoạn của khâu hoàn thiện đơn hàng (order fulfillment) từ khi nhập kho, phân loại, lưu kho, đóng gói, quét mã sản phẩm… đến khi xuất kho đều được xử lý bởi dây chuyền tự động với sự hỗ trợ của robot.
Bên cạnh đó, chính phủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuất khẩu, thông qua các chính sách hỗ trợ bằng tiền, ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, cho vay lãi suất thấp, ưu đãi giá thuê đất. Doanh nghiệp TMĐT cũng sẽ được hưởng lợi, như chính quyền Hàng Châu mới đây đã dự trù ngân sách lên đến 5 tỷ nhân dân tệ cho việc hỗ trợ.
Yếu tố về giá cũng vô cùng thu hút khách hàng. Người bán phía Trung Quốc ưu tiên số lượng nên thường hạ giá sản phẩm xuống mức rất thấp, thậm chí sát giá xuất xưởng. Với hoạt động mở cửa khẩu kết hợp xây kho sát biên, giờ đây nhà sản xuất Trung Quốc có thể bán trực tiếp mà không cần qua gom hàng trung gian, do đó cải thiện được tốc độ và chi phí giao, chính sách hoàn trả thuận tiện hơn trước dẫn đến ưu thế về giá.
Thế trận phức tạp
Việc Trung Quốc hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống kho TMĐT sát biên giới Việt Nam gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam khi khả năng cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc giảm đi đáng kể. Vậy nguyên nhân của sự ảnh hưởng này đến từ đâu?
Thứ nhất, xét về giá thành sản phẩm. Tuy ít có khác biệt về chất lượng nhưng hàng Việt Nam thường có giá thành cao hơn nhiều so với hàng Trung Quốc. Sở dĩ sự chênh lệch này xuất hiện do quy mô sản xuất của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều, dẫn đến giá thành rẻ. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào ở các doanh nghiệp Việt Nam cũng khá cao và còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Bởi lẽ đó, khả năng tự chủ của doanh nghiệp không cao, một khi gặp vấn đề, họ khó tìm được nhà cung ứng thay thế, hoạt động sản xuất kinh doanh gián đoạn khiến giá thành sản phẩm tăng lên.
Bên cạnh đó, chi phí logistics của nền kinh tế Việt Nam nói chung và đối với ngành TMĐT nói riêng vẫn còn khá cao. Theo báo cáo của VECOM, trong năm 2021, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10% đến 20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng từ 60% đến 80%; xếp theo sau là chi phí xếp dỡ và lưu kho, chia đơn hàng.
Thứ hai, xét về thời gian giao hàng – yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của ngành TMĐT. Trong bất kỳ trường hợp nào, doanh nghiệp có tốc độ chuyển hàng nhanh hơn, giá cạnh tranh hơn sẽ dễ dàng chiếm ưu thế về thị phần, đặc biệt khi logistics được chuyển đổi số để phục vụ ngành TMĐT (còn gọi là hoạt động e-logistics). Hiện tại, thời gian giao hàng là một vấn đề nhiều bất cập trong dịch vụ e-logistics của Việt Nam. Mới đây, đơn vị nghiên cứu thị trường iPrice Insights cùng dịch vụ theo dõi bưu phẩm Parcel Perform đã khảo sát hơn 80,000 đơn hàng TMĐT tại năm quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Theo đó, tại Việt Nam, một món hàng TMĐT trung bình phải mất đến 5, 6 ngày mới đến tay người mua. Con số này chỉ xếp sau Malaysia và cao hơn nhiều so với Thái Lan, nơi mà người mua hàng chỉ cần đợi trung bình 2.5 ngày. Đáng chú ý, nghiên cứu đồng thời chỉ ra Việt Nam là thị trường có thời gian trễ hàng trung bình lên đến 24 giờ trên mỗi bưu kiện, vượt xa các quốc gia còn lại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng dịch vụ e-logistics của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu khách hàng.
Trước hết là vấn đề về cơ sở hạ tầng. Ở Việt Nam, trừ các doanh nghiệp nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn trong nước, có hệ thống kho bãi riêng, phần lớn các doanh nghiệp logistics hiện nay nếu có kinh doanh mảng kho bãi đều phải đi thuê bên ngoài khiến chi phí logistics trong chuỗi e-logistics không thể nào cạnh tranh được.
Ngoài ra, lĩnh vực e-logistics đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để tham gia vào chuỗi cung ứng, vì các quy trình xử lý trong chuỗi e-logistics đều liên quan đến các kiến thức công nghệ mới. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, nguồn nhân lực ngành logistics của nước ta còn thiếu trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng xử lý vấn đề,… đã khiến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động gặp khó khăn.
Nước đi nhập thành
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển ngành TMĐT, Việt Nam có thể triển khai một số phương hướng sau:
– Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định: Chính phủ, nhà nước cần tích cực rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT. Trong đó, việc giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng kho, cải thiện chất lượng dịch vụ giao hàng là một vấn đề quan trọng.
– Phát triển nhân lực: Tăng cường các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho nhân lực trong ngành TMĐT và logistics, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực e-logistics. Việc này có thể thông qua các chương trình đào tạo, định hướng trong nội bộ các doanh nghiệp hoặc triển khai tại các trường đại học, cao đẳng. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra nhằm hạn chế các hành vi gian lận, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, cạnh tranh không lành mạnh trên các sàn TMĐT. Song song với đó, các cơ quan liên quan cũng cần đổi mới, tinh gọn, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động hải quan, khai báo thông tin, thanh toán… để các thủ tục hành chính được xử lý nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
– Xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng: Các doanh nghiệp TMĐT cần linh hoạt, chủ động tìm hiểu thị hiếu khách hàng và các xu hướng tiêu dùng nổi bật. Xây dựng các kế hoạch bán hàng, thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng cáo trên các kênh thông tin đại chúng để tăng độ nhận diện cho sản phẩm. Quan trọng hơn hết, cần đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm tương xứng với giá thành mà người tiêu dùng bỏ ra. Chỉ khi tạo dựng được “niềm tin” thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp quốc tế.
– Nâng cao quy trình: Các doanh nghiệp cần nỗ lực ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào các hoạt động quản lý, giao hàng để tối ưu hóa chi phí vận chuyển. Một số công nghệ hiện đại như chia chọn thông minh, như Viettel Post đang ứng dụng, hoặc các phần mềm quản lý giao hàng, quản lý đơn hàng (theo dõi lịch sử đơn hàng), công nghệ sắp xếp đơn hàng theo các chặng phù hợp để thuận tiện hơn cho người giao hàng… Ngoài ra, cũng nên chủ động tìm kiếm các nhà cung ứng khác nhau để đảm bảo tốc độ ứng biến khi có bất kỳ rủi ro nào trong quá trình vận hành.