Thị trường của nông sản Nga
Kể từ khi lệnh cấm vận lương thực năm 2014 được thực thi, Nga đã gần như mất toàn bộ nguồn cung từ thị trường Mỹ, EU và một số quốc gia khác. Điều này đã dẫn tới sự thiếu hụt một số sản phẩm và lạm phát lương thực ở Nga. Tuy nhiên, với các khoản trợ cấp và các dự án chuyên dụng, các công ty nông nghiệp của Nga hiện đã đạt được các mục tiêu an ninh lương thực trong hầu hết các ngành chăn nuôi.
Ông Dmitry Krasnov, Giám đốc Trung tâm AgroExport của Nga, dự báo xuất khẩu nông sản của nước này sẽ tăng từ 30,5 tỷ USD vào năm 2020 lên 37 tỷ USD vào năm 2024. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu bổ sung đạt 6,5 tỷ USD. Trong đó, khoảng 2 tỷ USD doanh số đến từ các sản phẩm thực phẩm; khoảng 1,78 tỷ USD từ dầu và mỡ; và khoảng 0,98 tỷ USD từ ngũ cốc. Bên cạnh đó, ông ước tính rằng gần 81% khoản đầu tư dự kiến sẽ được “bơm” vào các dự án hoàn toàn mới.
Cũng giống những năm trước, thị trường châu u sẽ chiếm phần lớn trong tăng trưởng sản xuất nông nghiệp và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng các khoản đầu tư theo kế hoạch của Nga với số vốn khoảng 4,14 tỷ USD.
Nga mở ra kỷ nguyên ngũ cốc mới
Việc Nga mở rộng sản xuất ngũ cốc sẽ thúc đẩy sự phát triển xuất khẩu trong những năm tới. Theo đó, Chính phủ Nga đặt mục tiêu đến năm 2030 sản xuất đạt 150 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng nhanh của thị trường trong nước.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Nông nghiệp Nga gần đây đã chi khoảng 81,5 triệu USD để triển khai một chương trình nhằm phát triển các giống ngũ cốc mới có năng suất cao hơn. Chương trình dự kiến phát triển ít nhất 26 giống cây trồng cạnh tranh, trong đó có khoảng 17 giống sẽ ra mắt vào năm 2025.
Ông Dmitry Rylko, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Nông nghiệp Nga, chia sẻ: “Trên thị trường toàn cầu, chúng tôi thấy có 3 quy trình tương đối mới, đó là sự xuất hiện của các giống lúa mì lai, chỉnh sửa bộ gen bằng công nghệ CRISPR và phát triển thương mại hạt giống biến đổi gen GM. Mỗi hiện tượng này, nếu thành công, có thể thay đổi đáng kể tình hình thị trường ngũ cốc và đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với sản xuất hạt giống truyền thống của chúng tôi.”
Mục tiêu chính của chương trình là tái kết cấu ngành công nghiệp ngũ cốc của Nga và thuyết phục nông dân chuyển sang trồng loại ngũ cốc có giá trị cao hơn. Theo giải thích của bà Elena Turina, Giám đốc bộ phận Phân tích của Liên minh ngũ cốc Nga, việc sản xuất lúa mì có giá trị với hàm lượng gluten cao hay lúa mì cứng ở Nga hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu tăng nhanh, và đây là vấn đề mà chương trình mới có thể giải quyết được.
Thanh Thảo