Tình hình hợp tác kinh tế giữa hai nước
Trong 9 năm trở lại đây, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ (như hình trên). Ngoài ra, theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ, với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với ASEAN. Ngược lại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2022, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 12,1%. Qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á (sau UAE).
Hiện nay, các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại; máy vi tính và sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; chất dẻo nguyên liệu; cao su; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng dệt, may; giày dép các loại; hạt tiêu; v.v.
Về tương lai gần, hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD, đồng thời bàn luận về việc mở rộng hợp tác nhằm khai thác tiềm năng to lớn trong các lĩnh vực như năng lượng, logistics, dệt may, sản xuất ô tô, điện tử, v.v. Đồng thời, phía Việt Nam cũng đã và đang tích cực đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như giày dép, nông sản, thủy sản… thâm nhập vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối của Thổ Nhĩ Kỳ như Carrefour SA, Migros,…
Những cơ hội tại thị trường lớn
Có thể thấy việc thâm nhập thị trường sầm uất bậc nhất này không phải là một trở ngại lớn đối với hàng Việt Nam, bởi lẽ hai nước vốn có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp.
Theo ông Omer Bolat, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam luôn được coi là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Không những vậy, sau cuộc gặp gỡ của nguyên thủ hai nước vào cuối năm ngoài, khả năng thiết lập Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ đã gần như chắc chắn, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa các doanh nghiệp của hai nước. Hiện tại, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẵn sàng trao đổi với Việt Nam những thông tin có lợi về các mặt hàng phía Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu và phía Việt Nam có thế mạnh, nhằm đẩy nhanh tiến trình đưa hàng Việt Nam vào thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở khu vực Trung Đông và Châu Âu, với GDP năm 2023 đạt khoảng 1024 tỷ USD, xếp thứ 17 thế giới (theo World Bank). Hơn nữa, với vị trí chiến lược “bắc nhịp cầu” giữa Châu Âu và Châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm giao thương, vận tải, giúp hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam không chỉ tiến vào thị trường nội địa mà tiếp cận được vào các nước Trung Đông – Bắc Phi và các nước Châu Âu.
Bên cạnh đó tuy ngành công nghiệp của đất nước này phát triển khá đa dạng, và còn có một số ngành hàng có lợi thế trùng với Việt Nam như điện tử, sắt thép, dệt may, chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ… nhưng chi phí sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn. Do đó, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường này.
Trước những cơ hội trên, các doanh nghiệp Việt phải chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh về giá, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trúc Quỳnh