Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/9 thông báo nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được 11 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam, ký kết năm 2018 tại Chile.
Đơn được Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đệ trình cho Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor, sau cuộc họp giữa hai bộ trưởng về “công việc tiếp theo” liên quan việc Trung Quốc nộp đơn.
Nếu gia nhập, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất khối CPTPP. Đây cũng sẽ là bước quan trọng để Trung Quốc tăng ảnh hưởng kinh tế sau khi ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm ngoái.
CPTPP gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Tổng cộng, các nước này có 495 triệu dân và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD.
Trước đó, Mỹ đã rút khỏi hiệp định này năm 2017 dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau đó, nhiều nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ kêu gọi Washington quay trở lại để ngăn Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên các quy định thương mại toàn cầu. Nhưng lời kêu gọi đó chưa được đáp ứng.
Theo một số chuyên gia, Trung Quốc muốn bắt đầu đàm phán trước khi Anh gia nhập hiệp định vì nguy cơ việc gia nhập của họ bị phủ quyết sẽ cao hơn sau khi Anh gia nhập. Bên duy nhất tỏ ý ủng hộ Trung Quốc là Nhật Bản, còn các nước châu Á khác, như Singapore, Malaysia, Brunei có thể không hài lòng với sự tham gia của Trung Quốc.
Nhật Bản hiện là chủ tịch bộ phận ra quyết định của CPTPP, trong khi New Zealand chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn xin gia nhập.
Khi đơn xin gia nhập được chấp thuận, một nhóm sẽ được thành lập để đánh giá. Ứng viên xin gia nhập phải tuân thủ các quy định của CPTPP và bắt đầu đàm phán thuế trên cơ sở song phương với các thành viên trong khối.
Tháng 6-2021, quá trình đánh giá với nước Anh đã bắt đầu. Bộ trưởng Thương mại của Anh cho biết, trở thành thành viên của CPTPP là cơ hội lớn cho Anh. Điều này sẽ giúp chuyển trọng tâm kinh tế của Anh từ châu Âu sang các khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, điều này còn giúp Anh mở rộng sự tiếp cận đến các thị trường tiêu thụ khổng lồ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Phan Quyên
ĐỌC THÊM:
Chiến tranh thương mại Trung Quốc – Úc căng thẳng khi quặng sắt giảm mạnh