Những lo ngại về an ninh khu vực
Buổi đối thoại diễn ra với sự tham gia của nhiều bộ trưởng ngoại giao của cả 2 bên được cho là sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và 27 nước thành viên EU, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình chiến sự leo thang tại Ukraine cũng như các động thái quân sự đáng lưu ý của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Trong buổi đối thoại, cả hai bên đều tuyên bố sẽ bắt tay hợp tác sâu rộng trong việc bảo đảm an ninh trên nhiều lĩnh vực từ hàng hải, đến không gian mạng và vũ trụ không bị giới hạn về mặt địa lý. Một khẳng định chung cũng được đặt ra về tính cần thiết của việc đảm bảo an ninh của chuỗi cung ứng các loại vật liệu nhạy cảm. Cả hai chủ thể sẽ hợp tác và củng cố thêm nhằm tránh nguy cơ các loại hàng hóa này bị sử dụng sai mục đích.
Được biết, chỉ vừa mới đây, khối liên minh Châu Âu và Nhật Bản cũng vừa mới ký kết một hiệp định gắn kết song phương liên quan đến vấn đề hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng chip và ngăn ngừa các nguy cơ áp dụng các loại công nghệ chip vào mục đích phá hoại hòa bình.
Chất bán dẫn: Động thái hợp tác kiểm soát đôi bên
Với thực trạng chất bán dẫn hiện đang trở thành một trong những mặt hàng “bán chạy” nhất trên thế giới và có tác động không nhỏ đến an ninh kinh tế toàn cầu, cả EU và Nhật Bản đều đồng ý rằng việc tạo ra một cơ chế cảnh báo và dự đoán nguồn cung cho các chuỗi cung ứng chất bán dẫn là hoàn toàn cần thiết.
Theo Nikkei Asia, hệ thống sẽ được tạo ra với mục đích chia sẻ các dữ liệu về cung và cầu nhằm tạo ra những dự báo trong tương lai gần về thị trường chất bán dẫn. Hệ thống này được cho là có thể giúp các công ty sản xuất công nghệ cao này tránh được việc tạm ngừng hoạt động do thiếu hụt nguồn cung.
Để thúc đẩy các hoạt động hợp tác nghiên cứu sâu rộng hơn cũng như phòng ngừa khả năng để lộ các loại công nghệ lõi nhạy cảm, đôi bên cũng sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn rò rỉ trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các loại công nghệ khác trên cả mặt ứng dụng dân sự và quân sự.
Những động thái trên của cả Châu Âu và đất nước mặt trời mọc được cho là sẽ hướng đến việc thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn về mặt an ninh công nghệ cao dưới áp lực của chiến sự Nga-Ukraine và vấn đề vũ trang hóa ngày một nhanh của Trung Quốc, đất nước láng giềng của Nhật Bản và là đối trọng đáng gờm của cả hai chủ thể tham gia đàm phán.
Nhật Minh