Tuyến đường bộ xuyên lục địa mới kết nối Trung Quốc và Châu Âu vừa được khai thác bởi DSV nhằm giảm áp lực lên vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, cũng như đường sắt, đặc biệt trong thời điểm nhu cầu tăng cao như hiện tại. Tuy nhiên, giải pháp này dù linh hoạt và tiết kiệm thời gian nhưng lại gây ra nhiều lượng khí thải CO2 so với hình thức vận tải đường sắt.
DSV đã sử dụng đội xe tải có lắp đặt các thiết bị định vị GPS, với thời gian vận chuyển kéo dài chỉ từ 14 đến 18 ngày.
Đại diện DSV trao đổi với tờ báo The Loadstar rằng, tính đến thời điểm hiện tại công ty chưa thể cung cấp số liệu chính xác về trọng tải vận chuyển, tuy nhiên DSV khẳng định vẫn còn nhiều chỗ còn trống cho dịch vụ “DSV Silkway Express” (Tạm dịch: DỊch vụ chuyển phát nhanh đường tơ lụa DSV) này. Họ tin rằng tín hiệu tích cực này sẽ một phần nào giúp khách hàng được trấn an, nhất là trong thời điểm các chủ hàng phải cạnh tranh đặt chỗ trên từng chuyến bay, từng con tàu để đảm bảo hàng được gửi đến điểm cuối cùng.
Người đại diện chia sẻ thêm: “Tệp khách hàng đó bao gồm những khách hàng thường xuyên dùng dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt, tuy nhiên, hiện tại, nhiều tàu hỏa cũng đã hết chỗ, vì vậy nên dường như ngành đường sắt cũng đang chịu đựng những áp lực kinh khủng như đường hàng không.”
“Silkway Express đảm bảo tính linh hoạt hơn so với những giải pháp vận tải khác, trong đó có đường sắt. Xe có thể di chuyển liên tục, nhận hàng ở nhiều địa điểm khác nhau và giao hàng theo yêu cầu người gửi. Thậm chí, khách hàng còn có thể thay đổi thông tin người nhận và hành trình của hàng ngay trong quá trình vận chuyển.”
Thực tế, CEVA vào năm ngoái cũng đã cung cấp dịch vụ tương tự. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, giá cước đường bộ từ Trung Quốc đến châu Âu chỉ bằng 60% cước vận chuyển hàng không và phương thức này cũng nhanh hơn nhiều so với đường sắt. Dẫu vậy, các doanh nghiệp lại thể hiện sự quan ngại về tác động tiêu cực tới môi trường của phương thức này.
Trước sự phản ứng đó, DSV đã phản hồi lại với các số liệu cụ thể thông qua một chuyến xe chạy từ Trung Quốc đến Đan Mạch để chứng minh rằng lượng khí thải từ các phương tiện vận chuyển đường bộ phân tích theo “well-to-wheel” chỉ gấp 2,5 lần so với khí thải từ vận chuyển đường sắt, và gấp 8 lần so với đường biển. Lượng khí CO2 tính theo gram/tấn/km là 78,36 đối với đường bộ, 28,75 và 2,68 lần lượt đối với đường sắt và đường biển. Hơn hết, phương thức này sẽ là một sự thay thế tuyệt vời cho phương án vận chuyển đường hàng không với mức cước cao chọc trời, cũng như lượng khí thải ra cực lớn, lên đến 781,84 gram CO2/tấn/km.
Well-to-wheel analysis: còn được gọi là “Life cycle analysis”, tập trung vào phân tích các yếu tố tác động tới môi trường xuyên suốt vòng đời sản phẩm, từ thu mua nguyên vật liệu, giai đoạn sản xuất, phân phối, tiêu thụ cho tới lúc kết thúc vòng đời. “Well” (Giếng dầu) chỉ nơi đầu tiên khai thác nguồn nhiên liệu, “Wheel” (Bánh xe) chỉ địa điểm phân phối cuối cùng. Ngoài ra, cách phân tích này xem xét lượng khí thải không chỉ đến từ lượng nhiên liệu xăng dầu, mà còn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, và phân phối các nhiên liệu đó. (Tham khảo: Royal Society of Chemistry)
Và với lợi thế như trên, tuyến đường bộ xuyên lục địa giữa Trung Quốc và Châu Âu hoàn toàn có thể trở thành một tuyến đường quan trọng của nền thương mại thế giới.
Biên dịch: Dandelion