Vào ngày 01/03, Thai Airways đã chính thức nộp kế hoạch hồi phục lên Legal Execution Department (Tạm dịch: Cơ quan thực thi pháp luật) của Thái Lan. Sau đó một ngày (02/03), hãng hàng không cũng đã thông báo chính thức về kế hoạch giảm 50% số lượng nhân viên trong 4 năm tới. Biện pháp này cũng phù hợp với quyết định của tòa án vào năm ngoái, đồng thuận với yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp của Thai Airways.
Theo đó, quyền chủ tịch Chansin Treenuchagron đã đưa ra thông báo ngắn gọn rằng Thai Airways dự định sẽ chỉ còn 13.000 – 15.000 nhân viên vào năm 2025. Vào tháng 2 vừa rồi, hãng cũng đã ngừng hợp đồng với 240 vị trí quản lý cấp cao. Ngoài ra, số lượng cho vị trí giám sát của hãng cũng sẽ bị cắt từ 8 xuống còn 5 để nâng cao năng suất hoạt động.
Công đoàn lao động phản đối gay gắt kế hoạch nhân sự của Thai Airways
Một phần trong kế hoạch tái cấu trúc của hãng Thai Airways là tất cả nhân sự phải chấp thuận chương trình khôi phục tài chính của hãng. Tuy vậy, phía công đoàn lao động đã không đồng thuận với kế hoạch đưa ra, cho rằng nó không công bằng với nhân viên của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo kế hoạch Thai Airways đưa ra, người lao động sẽ bị cắt giảm các kỳ nghỉ trong năm cũng như thời gian nghỉ phép mà trước đó họ được hưởng. Ví dụ, đối với một nhân viên lâu năm với 20-30 năm làm việc cho hãng hàng không sẽ phải chịu:
- Giảm ngày nghỉ pháp định (các ngày lễ quốc gia) từ 17 ngày/năm xuống còn 13 ngày/năm
- Giảm ngày nghỉ phép từ 24 ngày/năm xuống còn 6 ngày/năm
Trước nội dung cắt giảm đó, một văn bản khiếu nại đã được nộp lên Department of Labour Protection and Welfare (Tạm dịch: Cơ quan về quyền lợi và bảo hộ lao động) để đòi lại quyền lợi cho nhân viên Thai Airways.
Đáp lại sự bức xúc của phía công đoàn, đại diện hãng cho biết các hợp đồng lao động cũ được quy định bởi State Enterprise Relations Act of 2000 (Tạm dịch: Bộ luật quan hệ doanh nghiệp nhà nước năm 2000), tuy nhiên, Thai Airways đã không còn là doanh nghiệp nhà nước, vì vậy những hợp đồng trên coi như không còn hiệu lực.
Vào năm 2020, sau khi Bộ Tài chính Thái Lan quyết định giảm tỷ lệ cổ phần trong Thai Airways xuống dưới 50% để hỗ trợ quá trình khôi phục của hãng, Thai Airways không còn được xem là một doanh nghiệp nhà nước.
Vào hôm qua, Thai Airways cũng đã thuyết trình một phần của kế hoạch khôi phục hãng lên Tòa án phá sản Trung ương Thái Lan (CBC – Central Bankruptcy Court), yêu cầu những nhân viên tiếp tục làm việc với hãng ký một hợp đồng mới.
Công đoàn Thai Airways muốn có một buổi đàm phán riêng với hãng
Theo ông Nares, áp dụng các điều luật trong Bộ Luật Bảo vệ Lao động năm 1998 (Labour Protection Act of 1998), doanh nghiệp phải tổ chức buổi trao đổi chính thống với nhân viên trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến nhân sự.
Mặc dù Thai Airways đã lên kế hoạch chi tiết để trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn, nhằm tăng năng lực cạnh tranh với các hãng hàng không khác, có vẻ hãng vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu lớn đó.
Biên dịch: Dandelion