Chuỗi cung ứng toàn cầu lại gặp rủi ro
Kể từ lúc đại dịch bắt đầu, những biến cố mang tính bước ngoặt và thách thức đã không ngừng tấn công chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tụ họp lại với nhau trở thành một chuỗi các sự kiện rất hoàn hảo đến mức không ai ngờ tới được.
Mở đầu là sự cố mất cân bằng container vào cuối năm ngoái, khi nhiều nước trên thế giới dần phục hồi sau đại dịch, một đợt bùng nổ mua hàng khiến lượng container trên toàn cầu bị thiếu hụt trầm trọng, gây ra sự chậm trễ lớn trong việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo tập đoàn Container Hàng hải Quốc tế Trung Quốc- CIMC, sản lượng container 20 feet đã tăng từ 300.000 chiếc vào tháng 9/2020 lên 440.000 chiếc vào tháng 1/2021. Thế nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa khi cần đến 180 triệu vỏ container trên toàn thế giới. Thêm vào đó, thời gian quay vòng của một container đã tăng vọt lên 100 ngày (so với 60 ngày trước đây) càng làm tình trạng khan hiếm container trở nên trầm trọng. Khan hiếm container dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao, làm giá các loại hàng hóa nhảy vọt, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tiếp sau đó, vào ngày 23/3/2021, sự cố tàu Ever Given – một trong những con tàu container lớn nhất thế giới bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez và chặn đứng tuyến đường giao thương toàn cầu trong gần một tuần. Theo ước tính có khoảng 12% giá trị thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez, nơi trung bình có hơn 50 tàu đi qua mỗi ngày. Vụ việc đã gây ra một cuộc khủng hoảng vận tải biển toàn cầu, tính trung bình một ngày kênh đào Suez bị tắc nghẽn đã làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hóa trị giá 9,6 tỷ USD.
Và gần nhất, một đợt bùng phát dịch Covid-19 ở miền nam Trung Quốc khiến giới chức trách phải đình chỉ hoạt động vận chuyển tại các cảng và thiết lập các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh. Điều này đã làm gián đoạn các dịch vụ cảng và chậm trễ giao hàng, gây ra tình trạng tắc nghẽn trầm trọng ở các cảng phía Nam như Yantian, Nam Sa. Với lượng hàng thông qua Yantian là 13,3 triệu TEU vào năm ngoái, Yantian xử lý lượng hàng hóa nhiều hơn gần 50% so với Cảng Los Angeles – cảng container đông đúc nhất tại Mỹ.
Tắc nghẽn ở Yantian khiến nhiều hãng tàu phải đợi ít nhất 14 ngày để nhận hàng, ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng 25.500 TEU hàng hóa cảng không thể xử lý và gần 160.000 container đang chờ được bốc dỡ. Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn tới sự chậm trễ trong việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu và Hoa Kỳ, một lần nữa, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Theo các chuyên gia, hiện chưa thể ước tính được tác động của cuộc khủng hoảng này đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ trong chưa đầy 1 năm, 3 sự kiện liên tiếp xảy ra đã đẩy giá cước vận tải biển lên mức cao nhất mọi thời đại, kèm theo những hệ quả của đại dịch Covid-19 toàn cầu bao gồm: sự khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu, ngưng trệ hoạt động sản xuất, nhu cầu của thị trường tăng lên nhưng cung không thể đáp ứng đã đẩy giá hàng hóa trên thị trường lên cao hơn, tiềm ẩn rủi ro lạm phát toàn cầu.
Biến động giá trên thị trường toàn cầu
Trước những biến động giá cả hàng hóa tại nhiều thị trường, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã dự báo, lạm phát tại khu vực các nước phát triển tăng cao vào năm 2021 khi đạt mức 1,6%, tăng 0,9% so với năm 2020 và tiếp tục tăng lên mức 1,7%. Dự báo này lần lượt tăng 0,3% và 0,2% so với dự báo hồi tháng 01/2021. Đối với khu vực các nước mới nổi và đang phát triển, mức lạm phát dự báo đạt mức 4,9% trong năm 2021. Trong đó, tại khu vực các nước mới nổi và đang phát triển châu u đạt mức 6,5%, tăng 1,1% so với năm 2020; tại khu vực các nước mới nổi và đang phát triển châu Á lạm phát được dự báo ở mức 2,3% trong năm 2021. Rủi ro lạm phát nêu trên được phản ánh rất rõ qua chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Đầu tiên phải kể đến sự tăng giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm (đặc biệt là thực phẩm và nông sản)
Tại Hoa Kỳ, giá các mặt hàng thực phẩm như thịt hun khói đã tăng 10.7%, hoa quả tăng 6.2%, ngũ cốc tăng 0.2% v.v. đây cũng là quốc gia có tỷ lệ lạm phát đạt mức cao nhất kể từ khủng hoảng kinh tế 2008 – đạt 4,2% vào tháng 4/2021 (so với 2,6% vào tháng 3/2021 và 1,4% vào tháng 1/2021). IMF dự báo lạm phát tại Mỹ sẽ đạt mức 2,3% trong năm 2021, tăng 1,1% so với năm 2020 và tiếp tục tăng lên mức 2,4% trong năm 2022.
Còn đối với thị trường châu Âu, giá các mặt hàng thực phẩm trong tháng 3 đã tăng 1.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể bánh mì và ngũ cốc đã tăng 1.1%, trứng sữa tăng 0.7%, hoa quả tăng 2.8%… các loại thực phẩm khác đều có chiều hướng tăng nhẹ. Giá lúa mì đã tăng hơn 19%, ngô tăng 30.6%, bơ tăng 12.1%.
Không chỉ riêng thực phẩm mà hầu hết các loại hàng hóa từ xăng dầu, sắt thép hay thậm chí cước vận tải biển đều tăng giá cao kỷ lục.
Giá dầu thô thế giới tiếp đà leo dốc vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Ngày 15.6, cả hai hợp đồng dầu thô đều tăng nhẹ gần 0,3% trong phiên. Dầu WTI giao dịch trên ngưỡng 71 USD/thùng, dầu Brent trên mốc 73 USD/thùng.
Giá quặng sắt và thép tăng vọt ở Trung Quốc tác động lớn đến giá sắt thép trên toàn cầu (Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới). Cùng với chi phí logistics tăng cao và đồng nhân dân tệ mạnh hơn, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch, các nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng điều này đã đẩy giá thép lên cao kỷ lục. Trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giao dịch ngày 18/6 tăng 0,3% lên 5.101 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng cũng tăng 0,3% lên 5.371 CNY/tấn. Giá đầu vào tăng trong khi tỷ suất lợi nhuận suy giảm sẽ buộc các nhà sản xuất ở Trung Quốc đẩy một phần chi phí gia tăng sang phía khách hàng ở nước ngoài.
Cước vận tải biển, cụ thể là giá cước container tăng vượt mức kiểm soát. Theo dữ liệu từ Drewry Shipping, chi phí để vận chuyển 1 container hàng hóa kích thước 40 feet bằng đường biển từ Thượng Hải tới Rotterdam hiện đã chạm mức cao kỷ lục 10.522 USD – tăng 547% so với mức trung bình 5 năm gần đây. Cụ thể, mức giá này tăng 3,1% so với 1 tuần trước và tăng 485% so với 1 năm trước. Với xấp xỉ 80% hàng hóa trên toàn thế giới được vận chuyển bằng đường biển, cước phí tăng đe dọa sẽ kéo theo giá của mọi mặt hàng đều tăng. Điều này khiến nỗi lo về lạm phát càng tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn đang đến từ nhiều phía.
Áp lực lạm phát trong nước
Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của các yếu tố gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá cả đi lên và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI vẫn tiếp tục tăng do quá trình phục hồi nền kinh tế, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, từ đó đẩy giá cả hàng hóa lên cao như giá của các nguyên liệu đầu vào quặng sắt, phôi thép, đến thực phẩm, xăng dầu… Cụ thể chỉ số CPI tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước. Đặc biệt phải kể đến mức tăng ở lĩnh vực giao thông và nhà ở, nguyên vật liệu xây dựng với lần lượt 0,76% và 0,4%.
CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020, CPI tháng 5/2021 tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.
Chỉ số giá sản xuất PPI của nhóm sản phẩm sắt thép hàng năm đã tăng 40.47% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu thế giới cũng đang diễn biến phức tạp, trong năm tháng đầu năm đã tăng tới 60% so với hồi năm ngoái, trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn xăng dầu. Tương tự 80-85% thức ăn chăn nuôi vẫn là hàng nhập khẩu, nó sẽ tác động lớn đến giá thịt gia súc, gia cầm, thủy sản trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ các chính sách phục hồi nền kinh tế của các nước như chính sách nới lỏng tiền tệ, ban hành nhiều gói kích thích kinh tế, giảm lãi suất, v.v. sẽ cơ bản đẩy giá cả hàng hóa đi lên. Đồng thời, việc điều hành giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như: dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động đến CPI năm nay, từ đó tạo áp lực không nhỏ trong việc kiểm soát lạm phát.
Từ những phân tích trên, có thể thấy được những sự kiện liên tiếp xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn đã gây tác động đáng kể lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã mỏng manh. Một hệ quả của nó được đề cập đến trong bài viết này là đối với lạm phát của nền kinh tế. Dù lạm phát tăng là điều tất yếu bởi nó phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế và đem lại một số lợi ích nhất định như kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư, giảm bớt thất nghiệp trong xã hội, phân phối lại thu nhập, v.v. Nhưng nếu nó tăng nhiều hơn trong tương quan tăng trưởng kinh tế, trong một thời gian dài mà không có các biện pháp kìm hãm thì lại là một câu chuyện khác, những ảnh hưởng tiêu cực có thể kể đến như làm suy thoái kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm mức thu nhập thực tế của người lao động, v.v.
Hồng Đào
Đọc thêm: Khủng hoảng Pallet do đâu và tác động dây chuyển của nó đến chuỗi cung ứng toàn cầu