Minh bạch từ nguồn gốc chất liệu
Puma cho biết hãng sẽ thu mua lại tất cả các loại da để sản xuất từ các chuỗi cung ứng không gây ra sự thiệt hại đến rừng cụ thể là nạn phá rừng. Dự kiến quá trình này sẽ được hoàn thiện trước năm 2030 và thậm chí có thể sớm hơn. Trụ sở chính của Puma ở Đức và tại đây hãng đã tham gia vào chiến dịch “Deforestation-Free Call to Action for Leather” được khởi xướng bởi các tổ chức phi lợi nhuận Textile Exchange và Leather Working Group. Chiến dịch này yêu cầu các thương hiệu tham gia phải tăng cường tính minh bạch của chuỗi cung ứng nhằm xác định nguồn gốc nguyên liệu.
Ngoài Puma, các thương hiệu khác đã tham gia chiến dịch này bao gồm Adidas và các công ty thời trang như Tapestry, Capri Holdings và Kering.
Puma và tương lai bảo tồn tính đa dạng sinh học
Chất liệu da của Puma hiện được thu mua từ các nhà máy chế biến da được chứng nhận bởi Leather Working Group – chứng nhận các nhà sản xuất và buôn bán da nguyên liệu với mục tiêu giảm thiểu tác động của ngành công nghiệp da. Khoảng một nửa lượng da mà Puma sử dụng là da lộn – sản phẩm phụ của ngành công nghiệp da toàn phần. Công ty cho biết thách thức mà họ gặp phải với da lộn là các xưởng sản xuất của Puma không thể xử lý toàn bộ sản phẩm mà phải kết hợp thuê ngoài gia công. Điều này gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc kiểm soát nguồn gốc từng lô sản phẩm gia công.
Ông Veronique Rochet, đại diện nhóm phát triển bền vững Puma cho biết: “Để giảm thiểu tác động môi trường do quá trình sản xuất gây ra, Puma sẽ giải quyết rủi ro ô nhiễm môi trường thông qua các mục tiêu đã đề ra để tăng cường việc sử dụng các chất liệu bền vững hơn”. Hãng giày Đức cũng sẽ nói không với bất kỳ loại gỗ hoặc vải được khai thác từ rừng nguyên sinh hay trong các khu vực được bảo tồn.
Vào đầu tháng 3, Puma cũng đã loại bỏ da kangaroo khỏi các mẫu giày đá bóng. Thay vào đó, họ đã chuyển sang dùng vật liệu tổng hợp và gọi công nghệ da giày là K-Better với ít nhất 20% vật liệu tái chế.
Thế Cường