Đối thủ tiềm năng của Airbus và Boeing
Cụ thể, dòng máy bay “made in China” có tên C919 và có một lối đi. Phụ trách nghiên cứu và sản xuất dòng máy bay này là công ty hàng không vũ trụ hàng đầu Trung Quốc – Comac, được nhà nước hậu thuẫn nên có thế mạnh về kinh phí và mối liên hệ chính trị. Cụ thể, để phá vỡ thế độc quyền của những gã khổng lồ phương Tây, Bắc Kinh đã hỗ trợ 72 tỷ USD cho Comac nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất C919. Sự ra đời của C919 khiến cho Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ đang phải đối mặt với một đối thủ mới.
Từ khi tách ra khỏi lĩnh vực hàng không quân sự của Trung Quốc năm 2008 cho đến này, Comac đã nhận được gần 1.000 đơn đặt hàng cho loại máy bay này, nhu cầu chủ yếu đến từ khách hàng nội địa. Dự kiến, chuyến bay vận chuyển đầu tiên cho China Eastern Airlines dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Trước đây, Airbus và Boeing đã cạnh tranh gay để giành thị phần, cũng như sự hậu thuẫn của chính phủ. Nhưng hiện nay, khi có mối đe dọa chung, có thể họ sẽ gạt những mâu thuẫn sang một bên và kết thúc cuộc chiến kéo dài 17 năm của WTO về vấn đề trợ cấp, để lên kế hoạch ứng phó với đối thủ tiềm năng mới.
Mặc dù, C919 hiện vẫn không thể sánh vai với các phiên bản mới nhất của Airbus A320 hay Boeing 737 nhưng mối lo ngại lớn nhất đối với các tập đoàn phương Tây là số đơn đặt hàng từ Trung Quốc sẽ giảm mạnh khi có sự xuất hiện của C919.
Boeing dự đoán, trong vòng 20 năm tới Trung Quốc sẽ mua tổng cộng 8.600 máy bay mới để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới.
Những khó khăn của Comac
Sự xuất hiện của Comac diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc đang gia tăng. Đây là vấn đề khó khăn đối với Comac vì các nhà cung cấp những thành phần cốt lõi cho C919 chủ yếu đến từ phương Tây. Ngoài ra, các công ty liên quan đến Comac còn nằm trong số hàng chục tập đoàn công nghệ của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Bên cạnh đó, C919 sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trước mắt khác như Comac có đủ khả năng để hỗ trợ máy bay khi đang hoạt động hay không và để cất cánh C919 cần có sự thấp thuận của FAA và EASA, thời gian cần thiết để xác nhận có thể sẽ là ít nhất từ 5-7 năm.
Rob Morris – Trưởng bộ phận tư vấn của Ascend by Cirium, cho biết: “Thành công trong lĩnh vực máy bay thương mại không chỉ nhờ vào thiết kế, sản xuất, chứng nhận hay giao một chiếc máy bay, mà còn là khả năng hỗ trợ mọi lúc mọi nơi đối với hoạt động trong toàn bộ vòng đời của nó.”
Trong khi đó, Robert Thomson đến từ công ty tư vấn quản lý Roland Berger cho biết, việc tăng sản lượng đối với C919 có thể sẽ rất khó khăn. Airbus đã mất hơn 10 năm để đạt sản lượng 30 máy bay phản lực mỗi tháng đối với A320. Ngoài ra, họ còn cần mẫu thiết kế ổn định và năng lực của chuỗi cung ứng phải luôn được đảm bảo.
Phan Quyên