Vận tải đường sắt tăng trưởng mạnh
Theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, dự kiến năm nay, doanh thu từ vận tải hàng hóa tăng 27% so với năm ngoái. Chiến lược của ngành đường sắt năm 2019 là tăng dần vận tải hàng hoá nhưng đến giai đoạn 2021 – 2025 đã chuyển sang lấy vận tải hàng hoá làm chủ đạo. Đây là một trong những yếu tố khiến mảng kinh doanh này dần phát huy được lợi thế.
Trong năm nay, hàng container qua ga Yên Viên, Hà Nội đã tăng 180% so với năm ngoái. Việc mỗi chuyến tàu chở từ 20 – 25 container giúp vận tải đường sắt linh hoạt hơn so với đường biển bởi không phải chờ đợi tập kết số lượng lớn hàng hoá.
Hiện tại, tần suất chạy tàu hàng đi châu Âu là 2 – 3 chuyến/tuần và dự kiến sẽ tăng lên chạy hàng ngày trong thời gian tới. Theo ông Mai Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt chia sẻ, “Trong thời gian tới nhu cầu vận tải bằng container đi Trung Quốc và các nước thứ 3 như khu vực châu Âu, Nga đối với đường sắt vẫn tăng. Chúng tôi dự kiến chạy tàu hàng ngày”.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: “Vận tải hàng hoá sẽ tiếp tục tăng, trong đó chúng tôi tập trung vào các tàu chuyên tuyến, hai là tập trung vào vận tải container và ba là tập trung vào vận tải liên vận quốc tế. Đây là chủ trương về lựa chọn phân khúc hàng hoá, tuyến đường cũng như tập trung lấy hàng hoá làm chủ đạo thay dần vận tải hành khách.”
Khắc phục yếu điểm để phát triển vận tải đường sắt
Mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng hiện tại trên cả nước chỉ có duy nhất ga Yên Viên, Hà Nội trong số hơn 100 ga hàng hóa đáp ứng được yêu cầu làm hàng container quốc tế.
Nút thắt về hạ tầng đang kìm hãm sức bật của vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Ví dụ ga Giáp Bát, Hà Nội, một trong những ga hàng hóa lớn nhất trên toàn tuyến đã phải đối mặt với tình trạng hạ tầng sập xệ hàng chục năm nay; thậm chí toa tàu còn biến thành kho hàng.

Bên cạnh đó, yếu điểm khác vận tải đường sắt hiện vẫn chưa thể khắc phục tốt đó là phạm vi vận chuyển hàng hóa. Mặc dù dễ dàng vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam nhưng chỉ những thành phố lớn có hệ thống đường sắt mới có thể sử dụng dịch vụ này.
Với sản lượng hàng hoá sẽ tiếp tục tăng lên, theo các chuyên gia nếu không sớm cải thiện hạ tầng kho bãi, ngành đường sắt sẽ dễ mất đi lợi thế cạnh tranh khi nhiều doanh nghiệp không còn lựa chọn phương thức này để vận tải hàng hoá.
Mạnh Nguyễn
Vận tải hàng hoá bằng đường sắt cũng cần “luồng xanh”