Sự bùng phát dịch Covid-19 tại Cảng Container Quốc tế Yantian (YICT) đã làm gián đoạn nghiêm trọng nhiều hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời, một số tàu chở hàng đã phải thay đổi lịch trình di chuyển do chính quyền địa phương đang tăng cường thiết lập các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến, Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk Châu Á-Thái Bình Dương nói rằng hiện tại cảng Yantian hiện chỉ đang hoạt động với khoảng 40% công suất.
Theo sự sụt giảm năng suất hiện tại mà Maersk vừa công bố, ông Jensen- Giám đốc điều hành của Vespucci Maritime ước tính rằng, kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, mỗi ngày sẽ có khoảng 25.500 TEU hàng hóa không thể xử lý, gần bằng một nửa lượng hàng ảnh hưởng từ sự cố kênh đào Suez (55.000 TEU). Tuy nhiên, sự tắc nghẽn tại Suez chỉ kéo dài 6 ngày, còn ở Yantian đã kéo dài ít nhất là 14 ngày và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc trong những tuần tới.
Giá thuê tàu container đang ở mức kỷ lục cộng thêm việc lịch trình tàu bị trì hoãn kéo dài sẽ buộc các hãng tàu như Maersk phải cắt bớt số chuyến do sức tải khả dụng giảm.
Vincent Clerc, Giám đốc điều hành Ocean & Logistics của AP Moller-Maersk cho hay: “Chúng tôi nhận ra rằng các chuyến bị cắt giảm do sự chậm trễ này sẽ chỉ làm tăng thêm tình trạng tắc nghẽn ở Yantian. Điều đó tạo ra một lỗ hổng về khả năng thỏa mãn dịch vụ khách hàng. Những gì chúng tôi đang phải xem xét bây giờ là có bao nhiêu hàng hóa có thể chuyển hướng? Vận chuyển đến các cảng ở Châu Giang bằng cách nào? Và làm cách nào để giữ cho khách hàng không bị thay đổi nhiều nhất có thể?”
Các cảng khác hiện cũng đang thiếu phương tiện vận tải, cụ thể là container 40 feet và 44 feet được nhiều khách hàng ưa chuộng. Maersk cũng khuyến khích khách hàng sử dụng các loại phương tiện vận tải khác nhau như container 20 feet thay vì loại 40 feet vì những thay đổi về tuyến đường đang gây áp lực lên sự sẵn có của các công cụ vận chuyển tại các cảng đó.
Hồng Đào (theo Seatrade Maritime News)
Đọc thêm: Tắc nghẽn nhiều cảng phía Nam Trung Quốc do quá tải lượng tàu nhập khẩu ngô