“Lên sàn” – Dự báo có dễ dàng hơn?
Dự báo nhu cầu luôn là một trong những hoạt động quan trọng, quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi kinh doanh trên mạng, các doanh nghiệp phải đối mặt với gánh nặng làm hài lòng đối với một số lượng lớn khách hàng sống ở mọi nơi trên thế giới, với những nét tính cách, văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, cơ hội tiếp xúc trực tiếp với khách hàng dường như là khó thực hiện, thay vào đó tất cả quá trình đánh giá, phân tích hành vi khách hàng đều dựa vào quá trình thu thập thông tin trên mạng. Do đó, có thể nói môi trường kinh doanh trên mạng khác hoàn toàn với môi trường kinh doanh truyền thống. Đây cũng chính là trở ngại mà các công ty gặp phải trong hoạt động dự báo nhu cầu lúc mới chân ướt chân ráo lên sàn.
May mắn thay, thương mại điện tử không hẳn khắc nghiệt đến như vậy. Bởi, thương mại điện tử sở hữu con “át chủ bài” trong dự báo nhu cầu, đó là kho dữ liệu “khổng lồ”, mà chỉ có các công ty kinh doanh đủ lâu trên sàn mới tận dụng được ưu thế này. Đa dạng các dữ liệu từ lượt tìm kiếm trang web, lượt bấm xem sản phẩm đến SEO ranking hay phản hồi của khách hàng, tất cả đều được lưu lại một cách tự động. Khối dữ liệu này chắc chắn là nguyên vật liệu đầu vào chất lượng cho hoạt động dự báo của các công ty.
Và hãy nhìn vào trường hợp của “ông hoàng” thời trang Zara, vốn đã sống rất huy hoàng trong thời đại kinh doanh truyền thống, nay lại hết sức vùng vẫy trong thời đại mới nhờ tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ thu nhặt từ thương mại điện tử. Cụ thể, Zara đã tận dụng kho dữ liệu khổng lồ thu được từ website Zara.com (cho ra mắt lần đầu vào năm 2010) vào mô hình dự báo truyền thống của mình để có những điều chỉnh phù hợp. Và sự cải tiến này cho sai số dự báo nhu cầu của công ty đã giảm trung bình 16%, dự báo về màu sắc và khu vực tiêu thụ cũng ghi nhận mức giảm sai số trung bình 2%. Từ sự cải thiện này, Zara ngày càng khẳng định “vai trò định hình” xu hướng thời trang của mình.
Bùng nổ thị trường nhà kho “siêu to khổng lồ” đáp ứng sự tăng nhanh của thị trường thương mại điện tử
Trong cuộc chiến thương mại điện tử, các doanh nghiệp luôn trong tình trạng sẵn sàng cho “cuộc chạy đua nước rút” để đảm bảo hàng hóa đến tay khách hàng nhanh nhất. Với yêu cầu này, ngày càng nhiều các trung tâm gom hàng, cross-docking nổi lên dày đặc ở các khu vực gần thị trường tiêu thụ, để có thể phục vụ một lượng lớn khách hàng, trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, ở các vùng ngoại ô, các nhà kho “siêu to khổng lồ” (mega-warehouses), với diện tích thường hơn 1 triệu feet vuông cũng đua nhau mọc lên. Các nhà kho này thường tọa lạc ở những khu vực có hệ thống giao thông kết nối, có thể tận dụng hệ thống vận tải đa phương thức. Như trung tâm Logistics của Viettel Post nằm ở vị trí đắc địa của TP. Hồ Chí Minh, là một trong những trung tâm logistics lớn của cả nước, phục vụ lưu kho hàng thương mại điện tử.
Ngoài ra, các hoạt động trong kho hàng ngày càng đổi mới và tối ưu hơn, để giải quyết một số lượng lớn các đơn đặt hàng riêng lẻ thay vì một số lượng nhỏ các đơn đặt hàng theo lô. Ngày nay, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm đông lạnh thông qua các trang thương mại điện tử, điều này cũng có nghĩa khối lượng các SKU và độ phức tạp của quản lý kho dường như là không thể tưởng tượng nổi.
Do đó, làn sóng các nhà kho vận hành tự động với sự giúp đỡ của những robot thông minh trong các quy trình chọn, phân loại sản phẩm, hay thậm chí là đưa ra chỉ dẫn cho nhân viên kho ngày càng trở nên phổ biến. Đây hoàn toàn là sự thật, khi chúng ta nhìn vào những gì mà “ông hoàng thương mại điện tử” Amazon đang làm. Những nhà kho khổng lồ hằng ngày vận hành với hàng trăm nhân viên, cùng với hơn 200.000 đồng nghiệp của họ là những robot Kiva màu vàng và những cánh tay robot khổng lồ cùng với hệ thống băng chuyền tự động, hoạt động suốt ngày đêm để xử lý hàng triệu đơn hàng hàng ngày một cách chính xác.
Mặc dù những thay đổi trên là rất đáng kể, tuy nhiên, điều quan trọng nhất, thương mại điện tử đã giúp cho ta thay đổi suy nghĩ về tầm quan trọng của các nhà kho. Nơi từng được xem chỉ là nơi chứa đựng, đã trở thành trung tâm lưu trữ, hoàn thiện đơn hàng, đóng gói,v.v. Nơi làm nên năng lực cạnh tranh và sự vượt bậc của doanh nghiệp.
Vận chuyển trong thời đại khách hàng thiếu tính kiên nhẫn
Cùng với những thay đổi mạnh mẽ về hệ thống kho bãi, vận chuyển cũng có những bước chuyển mình mang tính đột phá từ vận tải hàng không đến vận tải biển và cả vận tải đường bộ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này là do yêu cầu của thương mại điện tử là vận chuyển những đơn hàng đơn lẻ đến từng khách hàng cuối cùng, thay vì vận chuyển hàng trăm pallet đến một vài cửa hàng.
Để làm hài lòng những vị khách thiếu kiên nhẫn trong việc chờ đợi, vận tải hàng không đang nổi lên như là phương thức tối ưu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vận tải hàng không sẽ là phương thức sử dụng chủ yếu trong tương lai của ngành thương mại điện tử khi nhu cầu vận chuyển hàng lẻ giao nhận trong ngày hay trong vài giờ tăng mạnh. Nắm bắt được xu hướng này, “ông lớn” Amazon cũng đã mạnh tay đầu tư hơn 1.5 tỷ USD vào Trung tâm hàng không ở sân bay quốc tế Cincinnati/Bắc Kentucky ở Hoa Kỳ để phục vụ cho dịch vụ vận chuyển Prime Air. Và hiện số khách hàng Prime của Amazon tại Hoa Kỳ đã có đến 970.000 thành viên, đem lại cho hãng một khoảng lợi nhuận khổng lồ.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng đáng kể của dịch vụ giao hàng, đặt ra một áp lực rất lớn đối với giao hàng chặng cuối, về các giải pháp giao hàng mang tính đột phá, đáp ứng các nhu cầu về giao hàng trong ngày hoặc thậm chí trong vòng vài giờ với sự tăng lên về độ phức tạp, tính cá nhân hóa và cả quy mô.
Và hơn bao giờ hết, các startup công nghệ logistics đang nổi lên với vai trò áp dụng trí tuệ AI vào việc hoạch định tuyến đường trong giao hàng chặng cuối như Abivin hay Smartlog. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các phương tiện sáng tạo được sử dụng trong giao hàng chặng cuối từ các xe bán tải nhỏ đến xe máy, hay thậm chí những thân thiện với môi trường như xe đạp. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã phát minh ra nhiều phương tiện giao hàng thông minh như máy bay không người lái hay các robot giao hàng.
Bên cạnh tốc độ, giao hàng chặng cuối bắt buộc phải hiệu quả và tiết kiệm chi phí, để tiến đến mục tiêu phí vận chuyển bằng 0. Chi phí vận chuyển cũng là yếu tố quan trọng làm nên lợi thế cạnh tranh của các công ty kinh doanh thương mại điện tử.
Tái khẳng định tầm quan trọng của Logistics ngược
Khi thương mại điện tử bùng nổ, nhu cầu đổi trả hàng hóa cũng gia tăng chóng mặt. Thực tế, số các đơn hàng đổi trả trong thương mại điện tử cao hơn gấp ba lần so với các cửa hàng truyền thống, và trung bình có khoảng 30% các đơn hàng bị hoàn trả.
Trong thương mại điện tử, khi Logistics xuôi đã thực sự là gánh nặng thì logistics ngược không khác gì cơn ác mộng đối với các nhà hoạch định Logistics. Khi các đơn hàng trả về đa dạng về kích thước, hình dạng, cách thức lưu trữ, bảo quản, đặt ra yêu cầu phải có một hệ thống thu hồi quy chuẩn nhưng phải dễ dàng biến đổi để phù hợp với từng loại hàng hóa.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho logistics ngược chưa được chú trọng phát triển, cũng như công tác thu hồi chưa được hoạch định tốt và điều này thường gây ra nhiều chi phí cho khách hàng và cả người bán. Trong khi đó, các công ty đang đua nhau đẩy giá chi phí đổi trả về bằng 0 để chiếm lĩnh thị trường, mở rộng quy mô.
Để đạt được mục tiêu này, logistics ngược yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều nút trong chuỗi cung ứng từ các shipper, đến các nhà kho, trung tâm phân phối và chủ hàng, để đảm bảo rằng công đoạn đảm bảo lợi ích kinh tế. Thực tế đã chứng minh chỉ trong kỷ nguyên thương mại điện tử, tầm quan trọng của logistics ngược mới được công nhận.
Chất xúc tác mang tên Covid-19
Thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng trong suốt thập kỷ qua. Nhưng đại dịch mới là chất xúc tác mạnh mẽ nhất, đưa thương mại điện tử tiến xa hơn đến 5-10 năm. Điều này gây áp lực rất lớn đến hệ thống Logistics toàn cầu vì không bắt kịp nổi tốc độ phát triển của thương mại điện tử.
Và những cuộc khủng hoảng đã liên tiếp nổ ra như hồi đầu năm 2020. Khi các đơn đặt hàng từ châu Âu và châu Mỹ không ngừng tăng lên, đã gây ra sự tình trạng thiếu hụt container. Chi phí vận chuyển tăng cao hơn gần hàng trăm lần. Đặc biệt là những đơn hàng từ châu Á, trong đó là Trung Quốc nơi cung cấp hầu hết các sản phẩm của thế giới.
Tóm lại, thương mại điện tử là chất xúc tác tuyệt vời đẩy nhanh tốc độ phát triển của hệ thống logistics toàn cầu, tuy nhiên chất xúc tác này còn được tiếp thêm sức mạnh khổng lồ từ đại dịch.
Huyền Trân