Tỷ lệ lạm phát đạt mức kỷ lục trong 19 năm
Tính đến tháng 12/2021, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt ngưỡng 36,1%, mức tăng cao nhất trong 19 năm Tổng thống Tayyip Erdogan nắm quyền. Đồng thời, mức lạm phát này đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ lên vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng các nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, theo Trading Economics.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao kỷ lục đã tạo ra một cơn “lốc xoáy” về khủng hoảng kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, theo thông tin của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng trưởng ở mức hai con số là 13,58% trong tháng 12/2021.
Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng tăng gần 54% và giá thực phẩm, đồ uống, thiết bị gia dụng tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu tăng cao được phản ánh bởi chỉ số giá sản xuất tháng 12 tăng 19,08% so với tháng trước đó (tương đương tăng 79,89% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 44% giá trị so với năm 2020 khi Tổng thống Erdogan yêu cầu ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất nhằm ưu tiên tín dụng và xuất khẩu hơn thay vì ổn định tiền tệ và giá cả. Sự gia tăng nhanh chóng của giá cả và giá trị đồng lira giảm sau đó đã khiến ngân sách của các hộ gia đình và nhiều doanh nghiệp dần cạn kiệt.
Chính sách bảo thủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan
Nguyên nhân gây ra lạm phát tăng cao kỷ lục chưa từng có trong 19 năm qua bởi chính sách bảo thủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ông đi ngược lại với những chính sách kinh tế thông thường rằng lãi suất cao sẽ giúp kiềm chế lạm phát. Khi giá cả tăng cao, thay vì tăng lãi suất để khuyến khích tiết kiệm và giảm lạm phát, ông đã ra lệnh cho ngân hàng trung ương làm điều ngược lại.
Hơn nữa, trong năm 2021, Erdogan đã đại tu ban lãnh đạo ngân hàng trung ương bằng cách sa thải những ai phản đối quan điểm kinh tế của ông. Ông Erdogan đã yêu cầu Ngân hàng đã cắt giảm lãi suất từ 19% xuống 14% kể từ tháng 9/2021. Điều này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu mức lợi suất thực âm rất sâu và lạm phát đạt mức kỷ lục như hiện nay.
Bên cạnh đó, Tổng thống Erdogan không những không thừa nhận sai lầm của mình mà còn đổ lỗi cho sự can thiệp của nước ngoài đã làm Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra, ông còn tuyên bố chắc chắn rằng chiến lược của ông đang giúp đất nước độc lập tài chính.
Huyền Tú
Lạm phát liệu có đang nhấn chìm toàn bộ nền kinh tế toàn cầu?