Thực trạng kinh tế hậu Covid-19
Ở Anh, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ở các kho hàng, tài xế xe tải và cả các cửa hàng bán thịt, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hãng sản xuất thịt gà lớn nhất của Anh cảnh báo thực phẩm giá rẻ ở nước này sắp kết thúc sau 20 năm và lạm phát giá thực phẩm có thể đạt mức hai con số do làn sóng chi phí tăng cao.
Tại Nhật Bản, theo chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI), giá bán buôn của Nhật Bản vào tháng 9/2021 ước tính tăng 5,9% so với năm trước và tăng 0,3% so với tháng trước, đạt mức cao nhất trong 13 năm. Lạm phát tiêu dùng ở Nhật Bản chỉ tạm ngừng giảm vào tháng 8, sau khi tăng liên tiếp 12 tháng trước đó.
Tại châu Âu, lạm phát ở Tây Ban Nha, Ireland và Thụy Điển chạm mức cao nhất trong 13 năm. Lạm phát đồng Euro dự kiến sẽ đạt 4% trước khi kết thúc năm, gấp đôi mục tiêu của ECB và mức tăng này sẽ duy trì trong suốt năm 2022.
Còn tại Việt Nam, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2021 có đến 95% doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; 80% doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào do dịch; 54,2% doanh nghiệp tăng chi phí do giá nguyên vật liệu tăng; 49,5% doanh nghiệp tăng chi phí logistics; đặc biệt có đến 33,4% doanh nghiệp thiếu lao động và 40,8% doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu sản xuất. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng 2021 đã tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân dẫn đến lạm phát
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu
Thời gian vừa qua, cả thế giới đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng có tác động trên quy mô toàn cầu. Việc thiếu hụt dầu, than, khí đốt, v.v. thậm chí khiến nhiều quốc gia không có đủ điện để cung cấp 24h mỗi ngày cho người dân. Trong khi đó, một số quốc gia còn lại thì bị ngưng trệ và đứt gãy các chuỗi sản xuất vì không có năng lượng để máy móc hoạt động.
Sự thiếu hụt nguồn cung trầm trọng cộng thêm nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng cao do một số thị trường lớn đang trên đà phục hồi sau dịch đã khiến giá năng lượng tăng chóng mặt. Chi phí trung bình cho 1 thùng dầu Brent đầu năm 2021 là khoảng 51.8 USD, đến thời điểm hiện tại đã đạt kỷ lục là 81 USD (tăng gần 58%), con số được cho là chỉ có ở các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Chi phí đầu vào sản xuất tăng đã trực tiếp đẩy giá thành của rất nhiều loại hàng hóa tăng lên. Giá thành sản xuất tăng khiến mức giá bán ra thị trường cũng có xu hướng tăng phi mã. Cụ thể, giá xăng ở hai bang North Carolina và Florida (Mỹ) đã tăng 0,14 USD mỗi gallon, mức tăng chưa từng thấy trong lịch sử, khiến người dân Mỹ vô cùng kinh ngạc. Ngoài ra, giá của các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, trứng đã tăng 10,5% hay mặt hàng đồ gia dụng tăng đến 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Craig Erlam, Chuyên gia phân tích của Sàn giao dịch OANDA, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là mối quan tâm lớn trong những tháng tiếp theo. Trong khi đó, những quan ngại về lạm phát và khả năng các nước siết chặt chính sách tiền tệ sẽ là một trong số rất nhiều “cơn gió ngược” mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.
Thiếu container rỗng
Tình trạng khan hiếm container gây ra phần lớn là do vỏ container rỗng ở các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu không thể quay trở lại Trung Quốc, cường quốc xuất khẩu của thế giới, khiến dòng lưu chuyển hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng. Khi đại dịch bùng nổ, Trung Quốc phải đóng cửa biên giới quốc gia, tạm dừng các hoạt động giao thương với bên ngoài. Do đó, các container đã xuất khẩu bị “kẹt lại” tại các bờ biển ở Hoa Kỳ, tạo ra tình trạng khan hiếm container nghiêm trọng ở khu vực châu Á và đẩy giá thuê container tăng đột biến.
Theo Drewry, ngày 28/10, giá của một container 40ft là 9.669,47 USD, cao hơn 276% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá cước vận chuyển container ở một số tuyến đã có dấu hiệu giảm nhưng không đáng kể. Cụ thể, giá cước vận chuyển trên tuyến Thượng Hải – Rotterdam giảm 3% đạt 14.062 USD/feu nhưng tỷ giá trên chặng Thượng Hải – Los Angeles đã tăng lên $10.976/feu (tương đương 1%). Chi phí vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, giá hàng tiêu dùng cũng trở nên đắt đỏ hơn.
Hơn nữa, tại Mỹ, sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang diễn ra nhanh chóng khiến nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột ngột, trong khi đó, các nhà máy tại đây chưa thể hồi phục được toàn bộ công suất vì thiếu nguyên liệu để đáp ứng được nhu cầu nên càng làm cho tình trạng tăng giá trở nên đáng kể hơn. Kết quả là, giá hàng hóa tại đây đã tăng gấp 10 lần so với một năm trước. Hàng năm, đợt mua sắm cuối năm thường sẽ được giảm giá sâu, thế nhưng năm nay, việc được nhìn thấy những tấm biển giảm giá 50% lại trở nên “khan hiếm”. Nhiều chủ hàng có thể sẽ tăng giá các mặt hàng do sự tác động của việc thiếu nguồn cung hàng hóa. Chỉ số giá tiêu dùng ở quốc gia này (CPI) 10 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 1,81%, đồng thời, giá cả cũng tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Lạm phát là thứ người Mỹ đã nhắc đến trong suốt năm 2021.
Thiếu hụt nguồn cung chip, chất bán dẫn
Sự bùng nổ trở lại của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 đã thúc đẩy làn sóng chi tiêu toàn cầu với các mặt hàng điện tử. Khi người dân buộc phải ở nhà nhiều hơn, họ tăng cường chi tiêu mua máy tính, tivi và máy chơi game để xua đi sự nhàm chán. Tuy nhiên, việc các nhà máy phải đóng cửa tạm thời đã gây ra áp lực lớn lên nguồn cung. Trong khi đó, chính quyền Mỹ cấm các công ty nước ngoài có sử dụng chip công nghệ của quốc gia này được bán cho “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei vì cáo buộc gián điệp cũng đã khiến nguồn cung chip/chất bán dẫn tại Trung Quốc bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Mặc dù đây chưa phải là yếu tố tác động sâu sắc đến lạm phát giá, nhưng nó được coi là tác nhân đáng lo ngại có thể gây ra lạm phát toàn cầu. Nếu tình trạng này không được xử lý trong thời gian tới, rất có khả năng không chỉ người tiêu dùng phải mua hàng với giá cao, mà nhiều doanh nghiệp cũng phải tạm ngừng sản xuất do chưa thể thu hồi được vốn vì thiếu nguồn cung để bán ra thị trường. Hiện nay, các chính phủ đang gấp rút tăng cường năng lực sản xuất chip. Cụ thể, Hàn Quốc công bố khoản đầu tư khổng lồ 451 tỷ USD; Thượng viện Mỹ trợ cấp 52 tỷ USD cho các nhà máy chip.
Tuy nhiên, cần có thời gian để các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tạo ra thành quả vì điều này liên quan đến một quá trình tinh vi liên quan đến việc ép các lớp hóa chất vào silicon.
Nhìn chung, ba nguyên nhân trên đều có bản chất là cầu hàng hóa của người tiêu dùng đã vượt xa nguồn cung của các nhà sản xuất và cuối cùng dẫn đến lạm phát. Vậy, tác động của lạm phát là gì mà nó lại có thể khiến cả nền kinh tế chao đảo đến vậy?
Những tác động đến kinh tế vĩ mô
Tác động tiêu cực
Lạm phát giá thành sản xuất khiến rất nhiều hàng hóa tăng giá theo đã làm giảm sức mua hàng của người dân. Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều hộ gia đình mất đi nguồn thu nhập ổn định. Kết quả là, nhiều người tiêu dùng không đủ đáp ứng được mức giá quá cao nên tất nhiên, sản lượng tiêu dùng của họ phải giảm đi.
Có thể thấy, tiêu dùng là một thành tố quan trọng đóng góp trong GDP quốc gia (GDP = C + G + I + NX) nên điều này sẽ làm GDP thâm hụt. Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng năm 2021 ở Đức giảm từ mức 3,7% xuống còn 2,4%.
Đứng trước thực trạng này, các Chính phủ có thể sẽ phải thực hiện một số biện pháp liên quan tới các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ. Một vài chính phủ có thể tích cực gia tăng chi tiêu và giảm thuế để kéo GDP tăng trưởng trở lại. Một số sẽ chọn giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy đầu tư trong khối tư nhân. Số còn lại có lẽ sẽ lựa chọn thực hiện cả hai loại này.
Tuy nhiên, mặc dù chính phủ có thể khiến GDP trở lại xu hướng tăng, nhưng nếu không có định hướng đúng đắn, một vài tác động tiêu cực tới nền kinh tế có thể xảy ra. Cụ thể, trong trường hợp các chính phủ chi tiêu quá nhiều dẫn tới bội chi ngân sách và phải dùng các khoản vay để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong nước rất có thể một quốc gia sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, uy tín trên thị trường quốc tế giảm, các doanh nghiệp FDI rút vốn và hàng loạt các hệ lụy đi cùng.
Còn nếu Chính phủ áp dụng chính sách tiền tệ quá tay sẽ làm dư thừa cung tiền trên thị trường, làm giảm lãi suất, càng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra lạm phát. Không chỉ vậy, quá nhiều tiền ngoài lưu thông sẽ làm giảm giá trị của đồng Việt Nam. Kết quả là hàng hóa nước ngoài không thể cạnh tranh với hàng hóa trong nước nên xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng và ngược lại, xuất khẩu của các thị trường khác vào Việt Nam sẽ giảm.
Mặc dù điều này “có vẻ” tốt với sản xuất trong nước, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cuối năm 2020, Việt Nam đã bị Mỹ cáo buộc phá giá đồng nội tệ để bảo hộ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, dẫn đến việc Mỹ áp dụng một số lệnh trừng phạt thương mại như đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu. Từ đó, lợi nhuận xuất khẩu, quy mô xuất khẩu, cũng như sự định vị rời đi hay tiếp tục ở lại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài có thể bị tác động nhiều hay ít tùy thuộc mức thuế trừng phạt, cũng như thời gian áp dụng mà Hoa Kỳ đặt ra và gỡ bỏ cáo buộc.
Tác động tích cực
Lạm phát không phải bao giờ cũng gây nên những tác động xấu cho nền kinh tế. Khi tốc độ lạm phát vừa phải đó là từ 2-5% ở các nước phát triển và dưới 10% ở các nước đang phát triển sẽ mang lại một số lợi ích cho nền kinh tế.
Theo lý luận của trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp, dọc theo đường cong Phillips, khi tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên thì đồng nghĩa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Điều này là một dấu hiệu tích cực đối với những người lao động khi mất việc tạm thời do dịch bệnh bùng phát.
Bên cạnh đó, khi có lạm phát cũng cho phép chính phủ có thêm khả năng lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư vào những lĩnh vực kém ưu tiên thông qua mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định có chọn lọc.
Thanh Thảo
ĐỌC THÊM:
Nguy cơ lạm phát do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu