Khủng hoảng phân bón toàn cầu
Trên thị trường thế giới, chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ đang dao động quanh mức cao nhất mọi thời đại ở mức 1.072,87 USD/tấn, trong khi tại Trung Quốc, giá phân urê giao ngay hiện đã tăng hơn 200% so với hồi đầu năm 2021.
Giá phân bón tăng cao kỷ lục là vấn đề toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Mặc dù Việt Nam không phải nhập khẩu 100% phân ure như nhiều nước ở Đông Nam Á, nhưng việc sản xuất phân bón hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, cũng làm cho giá phân bón trong nước bị biến động. Giá phân DAP giao động từ 18.500 – 23.000 đồng/kg, phân ure Ninh Bình có giá 18.000 đồng/kg v.v. mức giá này đều đồng loạt tăng hơn 10.000/kg so với năm 2020. Các mặt hàng phân bón được sản xuất trong nước có giá thấp hơn so với các loại phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc v.v.
Vậy nguyên nhân giá phân bón đạt đỉnh là do đâu?
Kể từ đầu tháng 1 năm nay, giá phân bón trên thế giới liên tục tăng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đến tình hình an ninh lương thực toàn cầu. Khủng hoảng phân bón xảy ra bao gồm một chuỗi các nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là thiếu nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh.
Thiếu hụt nguồn cung phân bón
Đầu tiên, giá nguyên liệu sản xuất phân bón đã tăng mạnh, trực tiếp đẩy giá sản xuất lên cao. Cụ thể giá lưu huỳnh tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn), axit sunfuric (H2SO4) tăng 232%, quặng apatit tăng 7,7% v.v. Được biết amoniac (NH3) là nguyên liệu chính để sản xuất phân DAP, NPK, urê v.v. cũng tăng từ 30 – 200%. Điển hình là công ty Yara đã phải tăng giá bán amoniac tại Florida – Mỹ lên 825 USD/tấn CFR cho lượng hàng giao tháng 11.2021, so với giá cũ, đã tăng tới 160 USD/tấn.
Thứ hai, các nhà máy sản xuất phân bón, sản xuất nguyên liệu đầu vào buộc phải giảm công suất sản xuất hay thậm chí là phải đóng cửa nhà máy. Tại Châu Âu, công ty Yara của Na Uy tuyên bố giảm 40% công suất trên toàn châu Âu, còn Công ty BASF của Đức đã đóng cửa Nhà máy NH3 tại Antwerp và Ludwigshafen. Khí đốt chiếm khoảng 80% chi phí để sản xuất các chất dinh dưỡng và giá cao hơn bình thường từ 4 đến 5 lần, theo tập đoàn công nghiệp Fertilizers Europe. Hiện khu vực Châu Âu chiếm phần lớn sản lượng sản xuất, xuất khẩu NPK của thế giới, nên việc dừng sản xuất này đã lập tức làm nguồn cung giảm sút nghiêm trọng.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc đang áp đặt các rào cản mới đối với các nhà xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về giá điện và sản lượng lương thực tăng cao, một động thái có thể làm trầm trọng thêm cú sốc giá toàn cầu và lạm phát lương thực.
Động thái hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc sẽ tác động đến toàn thế giới vì nước này là nhà cung cấp chính ure, sunphat và phốt phát, chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu. Những người mua phân bón lớn nhất của Trung Quốc bao gồm Ấn Độ, Pakistan và các nước ở Đông Nam Á.
Nguyên nhân cốt yếu làm các nhà máy phải tạm ngưng sản xuất hay giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chính là khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Giá khí đốt, xăng dầu, than nhiệt v.v tăng kỷ lục. Vào ngày 10/12, giá dầu Brent là 75.35 USD/thùng, giá dầu Crude là 71.94 USD/thùng, than đá giá 163.25 USD/tấn v.v tăng so với cùng kỳ năm trước từ 45 – 100%. Xăng dầu, khí đốt, than đá là nguyên liệu chính để vận hành các nhà máy sản xuất ở Châu Âu và Trung Quốc. Trong bối cảnh giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng khi châu Âu, Mỹ, Trung Quốc lần lượt bước vào mùa đông, càng làm trầm trọng thêm tình hình thiếu hụt phân bón trên toàn cầu.
Nhu cầu tiêu thụ (phân bón) tăng cao
Trong năm qua, sản lượng thu hoạch sụt giảm, trong khi nhu cầu gia tăng, khiến giá các mặt hàng nông nghiệp tăng “phi mã.” Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 11 tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua, trung bình ở mức 134,4 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 6/2011 và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này trong tháng 10 là 132,8 điểm. Giá lương thực tăng cao, nông dân có xu hướng mở rộng sản xuất, mục tiêu tăng sản lượng, tăng lợi nhuận. Kèm theo đó là do tác động của covid 19, các ngành thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng, càng làm cho người dân có xu hướng quay sang làm nông nghiệp cao hơn. Chính nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm tăng, kéo theo nhu cầu về phân bón đã đẩy giá phân bón lên cao kỷ lục. Nông dân không những không được hưởng lợi, mà còn bị tác động ngược trở lại.
Nguyên nhân khác
Bên cạnh hai nguyên nhân chính là do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng, thì có có nhiều nguyên nhân khách quan khác, đẩy giá phân bón lên cao. Đơn cử như tình trạng thiếu hụt container. Khan hiếm container rỗng không phải là do sản xuất thiếu, mà là do ùn ứ, ách tắc các cảng biển. Khi đại dịch bùng nổ, Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa biên giới, làm gián đoạn dòng lưu chuyển hàng hóa, tắc nghẽn cảng biển, khiến thời gian quay vòng của container bị kéo dài gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch. Tương tự với với Trung Quốc thì ở bờ đông Hoa Kỳ cảng Long Bay, L.A v.v hay cảng Rotterdam ở Hà Lan cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Ùn ứ cảng biển, làm chậm thông quan hàng hóa, trong đó có các mặt hàng phân bón, nguyên liệu sản xuất làm nghiêm trọng thêm tình hình thiếu hụt nguồn cung. Khan hiếm container đẩy giá thuê container tăng, đẩy giá cước vận tải biển tăng. Trong năm 2021, giá cược vận tải biển đã tăng 5-10 lần. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết giá nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% từ nay cho đến năm 2023 do giá cước vận tải tăng đột biến.
Tác động của khủng hoảng phân bón
Với việc thị trường phân bón hiện đang chứng kiến những cú sốc về nguồn cung chưa từng có và giá cả kỷ lục, điều đó đồng nghĩa với việc lạm phát lương thực trên toàn thế giới thậm chí còn tiếp tục trầm trọng hơn.
Giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 30% trong 12 tháng qua, đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực trong tháng 11 là 134,4 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 6/2011 và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này trong tháng 10 là 132,8 điểm. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 11 tăng 3,1% so với tháng trước đó và cao hơn tới 23,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giá lúa mì tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2011. Chỉ số giá các sản phẩm từ sữa ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất, tăng 3,4% so với tháng 10. Giá đường toàn cầu trong tháng 11 tăng 1,4% so với tháng 10 và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lương thực gia tăng trở thành áp lực đối với các quốc gia phải đối mặt cuộc chiến chống đói nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu. Ước tính có khoảng 1/10 dân số trên thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng về mất an ninh lương thực và không có đủ ăn.
Tại châu Mỹ, khoảng 30% nông dân trồng cà phê của Brazil không nhận được loại phân bón mà họ đã đặt, tệ hơn là không thể tìm thấy bất kỳ loại phân bón nào để mua. Điều này có thể dẫn đến thua lỗ trong hai năm tới vì đất có thể không có đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ sự phát triển của các loại cây trồng vụ mùa 2023.
Châu Âu cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng năng lượng. Sự khan hiếm phân bón có thể hạn chế sản lượng và chất lượng ngũ cốc ở EU, nơi xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp lúa mạch lớn. Các nhóm nông dân địa phương ước tính, chi phí phân bón tăng cao có thể làm tăng thêm 4 tỷ euro (4,6 tỷ USD) vào chi phí cho ngành nông nghiệp.
Tại châu Á, Ấn Độ nhập khẩu tới 1/3 lượng phân bón và là nước mua urê và DAP lớn nhất thế giới. Quốc gia Nam Á này hiện có nền nông nghiệp sử dụng 60% lực lượng lao động của đất nước và chiếm 15% quy mô nền kinh tế, trị giá 2,7 nghìn tỷ USD. Nông dân Ấn Độ hiện đang phải cắn răng, chấp nhận mua phân bón ở thị trường chợ đen với mức giá cao hơn tới 50%. Tình trạng khan hiếm nguồn cung có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất các loại cây trồng chủ lực như lúa mì, hạt cải dầu v.v xa hơn là ảnh hướng đến toàn bộ nền kinh tế và lao động nước này. Mới đây, Ấn Độ lên kế hoạch tăng trợ cấp phân bón lên mức kỷ lục 20,64 tỷ USD, trong quyết tâm giải cứu ngành nông nghiệp khỏi khủng hoảng.
Khủng hoảng phân bón – hệ quả của hàng loạt cú sốc mà chúng ta được chứng kiến trong suốt hơn hai năm qua. Chắc chắn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này không chỉ dừng lại việc đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu.
Hồng Đào