Ngày 23/11, Tập đoàn Kinh doanh Đại dương Hàn Quốc (Korea Ocean Business Corporation – KOBC), một doanh nghiệp nhà nước nhằm hỗ trợ ngành vận tải biển nội địa, đã công bố hợp tác với nhà điều hành tàu hàng đầu HMM, nhà sản xuất thiết bị truyền thông Seojin System cùng với chuyên gia công nghệ container Ace Engineering để bắt đầu kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất container tại Việt Nam.
Theo đó, đến giữa năm 2022, Seojin System và Ace Engineering sẽ mở một nhà máy tại Hải Phòng với dự kiến sản xuất khoảng 100.000 container hàng năm
Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng
Bất chấp việc sản lượng container mới tăng cao kỷ lục, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng trên toàn cầu như hiện nay khó có thể giảm xuống. Nguyên nhân chủ yếu không phải do ngành vận tải toàn cầu thiếu hụt container rỗng mà là do lượng container đang bị phân bổ không đúng chỗ dưới các tác động của đại dịch Covid-19.
Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát trên toàn cầu hồi đầu năm ngoái, các hãng tàu đã phải bỏ trống nhiều tuyến vận tải do nhu cầu sụt giảm và không thể tiếp cận nhiều cảng. Tuy nhiên, kể từ mùa thu năm ngoái, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá bùng nổ đã buộc các hãng tàu triển khai các tàu vận tải lớn với lượng container nhiều hơn nhưng nhiều cảng biển tại khu vực nhập khẩu không có đủ nhân lực để bốc dỡ kịp, khiến tình trạng tắc nghẽn và lượng lớn container bị kẹt tại các cảng xảy ra.
Tình trạng thiếu hụt container rỗng có thể còn trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi nhu cầu về container không chỉ tăng cao do các hoạt động thương mại bùng nổ mà còn do một lượng đáng kể container sẽ hết niên hạn sử dụng. Thông thường, một container sẽ có tuổi thọ 15 năm và những container sản xuất trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009 sắp hết niên hạn sử dụng.
KOBC cho biết sự mất cân đối nghiêm trọng trong nguồn cung các container rỗng đang gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu và công ty vận tải biển của Hàn Quốc.
Đa dạng hóa nguồn cung container
Sản lượng container đạt mức cao nhất mọi thời đại. Hiện tại, Trung Quốc có thị phần sản xuất container lớn nhất toàn cầu, chiếm 99% thị trường. Mặc dù, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng cường sản xuất để đạt mức kỷ lục, nhưng điều đó không đủ để giảm bớt sự thiếu hụt. Một số người trong ngành đã cáo buộc các nhà sản xuất container giữ nguồn cung ở mức thấp để đẩy giá lên.
KOBC cho biết “Nhu cầu về việc đa dạng hóa nguồn cung liên tục tăng cao do sự mất cân bằng cung cầu do thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng việc đa dạng hóa nguồn cung cấp container sẽ giúp tăng đáng kể nguồn cung container cho các công ty vận tải biển trong nước, trong đó có HMM, đơn vị có lượng hàng lớn từ Việt Nam.”
Việc khởi động, xây dựng một nhà máy sản xuất container là một phần mở rộng vai trò của nó trong việc giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm thiết bị. Tổ chức này cũng đã loại trừ việc thành lập một nhà máy container ở Hàn Quốc, do chi phí đất đai và nhân lực cao hơn. Tuy nhiên, với chi phí thấp hơn tại Việt Nam, KOBC hy vọng rằng việc hợp tác mua container có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty vận tải biển trong nước.
Ngoài ra, để tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty vận tải biển trong nước, KOBC sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ thuê container, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa nguồn hàng trong nước và nước ngoài để đảm bảo nguồn cung container.
Minh Ngô
ĐỌC THÊM:
Các công ty sản xuất container cho thấy sự chậm trễ kỷ lục vào năm 2021