Mạng lưới giao hàng trực tiếp đến một điểm đến
Với mạng lưới vận chuyển trực tiếp đến một điểm đến duy nhất, người vận chuyển sẽ vận chuyển các chuyến hàng trực tiếp từ nhà cung cấp đến từng địa điểm của người mua dựa trên các tuyến đường được định trước. Người quản lý chuỗi cung ứng sẽ quyết định số lượng hàng cũng như phương thức vận chuyển sẽ được sử dụng. Quyết định này sẽ liên quan đến sự cân bằng giữa chi phí vận chuyển và chi phí hàng tồn kho.
Ưu điểm chính của mạng lưới giao hàng này là loại bỏ các kho trung gian, từ đó đơn giản hóa hoạt động điều phối và rút ngắn thời gian vận chuyển. Những vấn đề liên quan về lô hàng sẽ phụ thuộc vào từng người mua và không ảnh hưởng đến nhau, tuy nhiên ở mạng lưới này sẽ khá tốn kém chi phí.
Mô hình mạng lưới giao hàng này chỉ phù hợp khi nhu cầu tại các địa điểm của người mua đủ lớn để kích thước lô hàng tối ưu so với khả năng chở của xe tải.
Điển hình cho kiểu mạng lưới giao hàng này là Home Depot (một công ty bán lẻ cung cấp thiết bị gia đình của Mỹ chuyên bán dụng cụ, sản phẩm và dịch vụ xây dựng). Hầu hết các cửa hàng mà Home Depot đã mở cho đến khoảng năm 2022 đều là những cửa hàng lớn. Các cửa hàng luôn duy trì một lượng đặt hàng đủ lớn để hàng của họ sẽ được giao trực tiếp từ nhà cung cấp. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, kiểu mạng lưới này đã xảy ra vấn đề khi Home Depot bắt đầu mở thêm các cửa hàng có quy mô nhỏ hơn, những cửa hàng này sẽ không có lượng đặt hàng đủ lớn để có thể vận chuyển trực tiếp từ nhà cung cấp đến cửa hàng được.
Vận chuyển trực tiếp với Milk runs
Milk runs là một lộ trình mà trên đó xe tải sẽ vận chuyển sản phẩm từ một nhà cung cấp đến nhiều nhà bán lẻ khác nhau hoặc cũng có thể xe tải sẽ đi từ nhiều nhà cung cấp đến một địa điểm của người mua. Khi sử dụng mạng lưới vận chuyển trực tiếp với Milk runs, người quản lý chuỗi cung ứng phải quyết định tuyến đường đi của mỗi lần vận chuyển.
Mạng lưới vận chuyển này cũng giúp loại bỏ các kho trung gian và đặc biệt cách thức này sẽ có chi phí thấp hơn so với mạng lưới giao hàng trực tiếp đến một điểm đến bằng cách gom các lô hàng tại các địa điểm khác nhau trên một xe tải.
Nếu thường xuyên cần giao các đơn hàng nhỏ lẻ và vị trí địa lý các nhà cung cấp hoặc vị trí của các nhà bán lẻ gần nhau, thì việc sử dụng mạng lưới vận chuyển Milk runs sẽ giúp làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển.
Ví dụ, Toyota sử dụng mạng lưới vận chuyển Milk runs để hỗ trợ hệ thống sản xuất just – in – time (JIT) của doanh nghiệp ở cả Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tại Nhật Bản, Toyota có nhiều nhà máy lắp ráp nằm gần nhau và do đó họ sẽ vận chuyển các linh kiện từ một nhà cung cấp duy nhất đến các nhà máy lắp ráp đó. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, Toyota áp dụng mạng lưới vận chuyển Milk runs từ nhiều nhà cung cấp có vị trí gần nhau đến từng nhà máy lắp ráp do khoảng cách giữa các nhà máy lắp ráp lớn.
Hàng hóa vận chuyển từ nhà cung cấp đến trung tâm phân phối và được dữ trữ tại đó
Theo mạng lưới vận chuyển này, các lô hàng sẽ được vận chuyển từ nhà cung cấp đến trung tâm phân phối và được lưu trữ tại đó cho đến khi có yêu cầu vận chuyển đến từng địa điểm mà người mua đề ra. Việc lưu trữ hàng tại trung tâm phân phối phù hợp với những lô hàng đủ lớn hoặc trong trường hợp nhà cung cấp không đủ điều kiện điều phối đến các địa điểm của người mua.
Trong những trường hợp này, sự hiện diện của trung tâm phân phối cho phép chuỗi cung ứng đạt được tính lợi thế kinh tế về quy mô nhờ vào việc phân phối hàng hóa đến các địa điểm gần nhau.
Ví dụ, W.W. Grainger, một nhà phân phối điện tử có thâm niên trong lĩnh vực phân phối hàng hóa từ trước khi thương mại điện tử ra đời, yêu cầu các nhà cung cấp vận chuyển lượng lớn sản phẩm đến một trong chín trung tâm phân phối và mỗi trung tâm phân phối sau đó vận chuyển sản phẩm đến các cửa hàng trong vùng lân cận với số lượng nhỏ.
Hàng hóa vận chuyển đến điểm trung chuyển trung gian với Cross-Docking
Ở cách thức vận tải này, các nhà cung cấp sẽ gửi các lô hàng của họ đến một điểm trung chuyển trung gian (có thể là một trung tâm phân phối), sau đó hàng hóa sẽ được phân loại và gửi đến các địa điểm của người mua mà không cần lưu trữ.
Lợi ích chính của Cross-Docking là lượng hàng tồn kho lưu giữ ít hơn và sản phẩm luân chuyển nhanh hơn trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, cách thức này cũng giúp tiết kiệm chi phí xếp dỡ vì sản phẩm không phải luân chuyển vào và ra khỏi kho.
Một ví dụ điển hình khác về việc sử dụng điểm trung chuyển và Cross-Docking đó là Peapod ở khu vực Chicago. Ban đầu, Peapod có một trung tâm phân phối ở Lake Zurich, từ đó Peapod sẽ tiến hành giao hàng cho khách hàng bằng cách sử dụng Milk runs. Cách vận chuyển này của Peapod tỏ ra hiệu quả đối với khách hàng ở các tiểu vùng phía Bắc và phía Tây của Chicago. Tuy nhiên, Peapod muốn mở rộng phạm vi hoạt động của mình đến thành phố Chicago và thành phố Milwaukee. Cả hai thành phố này đều cách trung tâm phân phối ở Lake Zurich quá xa nên vận chuyển bằng Milk runs sẽ trở nên kém hiệu quả. Để khắc phục vấn đề đó, Peapod đã thiết lập cách vận chuyển Cross-Docking tại mỗi địa điểm. Peapod đã vận chuyển các lô hàng trên một chiếc xe tải lớn đến điểm trung chuyển và sau đó họ sẽ sử dụng những chiếc xe tải nhỏ hơn để giao hàng tại địa phương. Việc sử dụng Cross-Docking tại một điểm trung chuyển đã cho phép Peapod tăng phạm vi tiếp cận của trung tâm phân phối Lake Zurich mà không làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển.
Vận chuyển qua trung tâm phân phối bằng cách sử dụng Milk run
Với mô hình này thường được áp dụng cho những lô hàng có kích thước nhỏ, dòng hàng hóa sẽ được vận chuyển từ nhà cung cấp đến trung tâm phân phối và sau đó hàng hóa sẽ được vận chuyển tiếp đến từng địa điểm của người mua bằng Milk run, điều này giúp làm giảm chi phí vận chuyển bằng cách gom những lô hàng nhỏ đó.
Ví dụ, Seven-Eleven Nhật Bản sử dụng cách thức giao hàng Cross-Docking từ các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống đến các trung tâm phân phối của họ và sau đó sẽ sử dụng Milk runs để vận chuyển hàng đến các cửa hàng bản lẻ vì lượng hàng đến một cửa hàng không đầy một xe tải. Việc sử dụng cả Cross-Docking và Milk runs cho phép Seven-Eleven Nhật Bản giảm chi phí vận chuyển nhưng việc sử dụng cả hai cách thức này đòi hỏi mức độ phối hợp đáng kể cũng như định tuyến và lịch trình phải phù hợp.
Ngoài Seven-Eleven, cửa hàng tạp hóa trực tuyến Peapod cũng đã sử dụng cách thức giao hàng Milk runs để vận chuyển hàng từ trung tâm phân phối đến nơi cuối cùng mà khách yêu cầu, điều này giúp giảm chi phí vận chuyển cho các lô hàng có khối lượng nhỏ. OshKosh B’Gosh, một nhà sản xuất quần áo trẻ em, đã sử dụng ý tưởng này để vận chuyển các lô hàng nhỏ được lưu trữ từ trung tâm phân phối ở Tennessee đến các cửa hàng bán lẻ.
Lựa chọn mạng lưới vận chuyển phù hợp
Một mạng lưới vận chuyển phù hợp là sự kết hợp những mạng lưới vận chuyển trước đó nhằm giảm chi phí và cải hiện khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng. Theo đó, trong từng tình huống sẽ có những cách chọn mạng lưới vận chuyển khác nhau. Hầu hết những sản phẩm có nhu cầu cao thì sẽ được vận chuyển trực tiếp đến nhà bán lẻ, trong khi đó, các sản phẩm có nhu cầu thấp sẽ được tổng hợp và được vận chuyển qua trung tâm phân phối.
Dưới đây là bảng nói lên ưu và nhược điểm của từng mạng lưới vận chuyển:
Phan Quyên