Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng
Để có đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến sầu riêng tại Nha Trang, Bến Tre, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu vừa thành lập 2 chi nhánh mới tại Đắk Lắk. Điều đáng nói, phụ trách 2 chi nhánh này chính là các thương lái tại địa phương. Họ đại diện doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Còn hợp tác xã trước đây chỉ biết trồng, nay có thêm nhiệm vụ thu hoạch, lựa chọn, sơ chế sản phẩm. Họ dự kiến năm nay sẽ thu mua khoảng 15.000 tấn sầu riêng ở Đắk Lắk để xuất khẩu.
Với Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group, họ thường xuyên phải ra vào các tỉnh để thu mua nông sản. Hiện nay, họ luôn phải chủ động làm việc trước với các sở ban ngành của từng tỉnh để nắm rõ quy định phòng chống dịch , sau đó mới nghĩ tới việc tổ chức thu mua.
Đa phần theo các doanh nghiệp, để duy trì chuỗi cung ứng, họ cần chủ động gấp đôi so với trước đây để nắm bắt và tuân thủ mọi quy định phòng chống dịch của từng địa phương.
Đa dạng thị trường để giảm thiểu chi phí logistics
Doanh nghiệp hợp tác với các thương lái và các hợp tác ở địa phương bước đầu giúp con đường từ vùng nguyên liệu đến nhà máy đã bớt “gập ghềnh” hơn. Tuy nhiên, để sản phẩm nông sản cập bến thị trường xuất khẩu lại chưa hết khó.
Giá cước vận tải biển, hàng không tăng cao, trung bình từ 5 – 7 lần so với trước đây, đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp.
Đơn cử, giá 1 kg nhãn đầu mùa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu EU khoảng 70.000 đồng/kg, tuy nhiên chi phí logistics đã lên tới 200.000 đồng/kg, nghĩa là chỉ riêng tiền trả cho logistics đã gấp tới 2,5 lần giá thành sản phẩm. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp nông sản buộc phải hủy đơn hàng đến các thị trường quá xa như EU, Mỹ hoặc tốn quá nhiều chi phí logistics và tìm kiếm những thị trường mới đặc biệt các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng trở lại đây, các buổi tư vấn vấn thị trường trực tuyến do họ tổ chức đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp tham gia, và các thị trường ở Bắc Á, Đông Nam Á được nhiều doanh nghiệp hướng tới.
Chế biến, lưu kho để đến khi thuận lợi sẽ xuất hàng, tránh rủi ro về logistics quá cao trong thời điểm này cũng là cách một số doanh nghiệp tính đến.
Để duy trì việc xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ thường chuẩn bị khối lượng lớn các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất nhằm đối phó với việc dịch bệnh có thể còn diễn biến kéo dài.
Đại dịch COVID-19 đang tạo ra một thách thức không nhỏ cho mục tiêu xuất khẩu rau quả 4 tỷ USD của năm nay. Nhiều doanh nghiệp nông sản kiến nghị cần có sự ưu đãi về vốn để một mặt thu mua nông sản cho người dân, một mặt thiết lập được trung tâm chế biến lưu trữ nông sản để giảm áp lực thời vụ cho cả doanh nghiệp và nông dân.
Hồng Đào
ĐỌC THÊM:
“Đặt lên bàn cân” – Nông sản Việt khi ra thế giới