Có hai cách tiếp cận chính về các hoạt động trong chuỗi cung ứng là chuỗi các chu trình khép kín (cycle view) và quan điểm kéo đẩy (push/pull view).
Chuỗi các chu trình khép kín (cycle view of supply chain processes)
Các hoạt động trong chuỗi cung ứng được chia thành 4 chu trình lớn:
- Chu trình đặt hàng của người mua (Customer Order Cycle)
- Chu trình làm đầy lại kho (Replenishment Cycle)
- Chu trình sản xuất (Manufacturing Cycle)
- Chu trình thu mua (Procurement Cycle)
Mỗi chu trình xảy ra ở giữa hai chủ thể liên tiếp của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, không phải mọi chuỗi cung ứng cũng đều có cả bốn chu trình được phân tách rõ ràng. Ví dụ, trong kênh phân phối trực tiếp, bỏ qua mọi khâu trung gian (nhà phân phối và nhà bán lẻ), tất cả các sản phẩm của Dell cung cấp cho khách hàng đều được sản xuất theo đơn đặt hàng, với thời hạn giao trong 5 ngày.
Mỗi chu trình lớn được cấu thành bởi 6 bước nhỏ:
- Bước 1: Nhà cung cấp quảng cáo sản phẩm (Supplier stage: markets product)
- Bước 2: Người mua đặt hàng (Buyer stage: place order)
- Bước 3: Nhà cung cấp nhận đơn hàng (Supplier stage: receives order)
- Bước 4: Nhà cung cấp giao hàng hóa (Supplier stage: supplies order)
- Bước 5: Người mua nhận hàng hóa (Buyer stage: receives supply)
- Bước 6: Người mua gửi trả những sản phẩm tái chế được cho nhà cung cấp hoặc bên thứ 3 (Buyer returns reverse flows to supplier or third party).
Tùy thuộc vào giao dịch được đề cập, các quy trình con có thể được áp dụng cho chu trình thích hợp. Khi khách hàng mua sắm trực tuyến tại Amazon, họ là một phần của chu trình đặt hàng, với khách hàng là người mua và Amazon là nhà cung cấp. Ngược lại, khi Amazon đặt hàng sách từ một nhà phân phối để bổ sung hàng tồn kho, đó là một phần của chu trình bổ sung, với Amazon là người mua và nhà phân phối là nhà cung cấp.
Cách tiếp cận này hữu ích khi xem xét các quyết định vận hành vì nó chỉ rõ vai trò của từng thành viên trong chuỗi cung ứng. Do đó, buộc nhà thiết kế chuỗi cung ứng phải xem xét cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ các quy trình này.
Quan điểm hệ thống kéo/đẩy (Push/Pull)
Tất cả các quy trình trong chuỗi cung ứng được phân chia tùy thuộc vào thời gian thực hiện chúng so với nhu cầu của khách hàng cuối cùng.
Với các quy trình kéo (pull), việc thực hiện đơn hàng sẽ dựa vào những dự báo về nhu cầu của khách hàng và thường áp dụng ở những thị trường khi không nắm bắt rõ thị hiếu người mua.
Với quy trình đẩy (push), việc thực hiện đơn hàng được bắt đầu với dự đoán về các đơn đặt hàng của khách hàng dựa trên dự báo và áp dụng ở những thị trường đã nắm rõ thị hiếu của khách hàng.
Ví dụ, trong chuỗi cung ứng của Dell, các hoạt động “người mua đặt hàng và nhà máy lắp ráp” là Pull process vì chỉ khi người mua đặt hàng thì nhà máy mới bắt đầu lắp ráp, sản xuất và giao cho khách hàng. Các hoạt động “thu mua nguyên liệu” là Push process vì các hoạt động đó được thực hiện trước khi người mua đặt hàng và công ty Dell thực hiện dựa trên dự báo nhu cầu khách hàng.
Quan điểm đẩy / kéo về chuỗi cung ứng rất hữu ích khi xem xét các quyết định chiến lược liên quan đến thiết kế chuỗi cung ứng. Mục tiêu là xác định một ranh giới đẩy / kéo thích hợp để chuỗi cung ứng có thể khớp cung và cầu một cách hiệu quả. Các hoạt động xảy ra trước khi người mua đặt hàng được gọi là Push Process. Các hoạt động xảy ra sau khi người mua đặt hàng được gọi là Pull Process.
Ngành công nghiệp sơn cũng là một ví dụ về lợi ích từ việc điều chỉnh ranh giới đẩy / kéo một cách thích hợp. Việc sản xuất sơn đòi hỏi phải sản xuất lớp nền, pha trộn các màu phù hợp và đóng gói. Cho đến những năm 1980, tất cả các quy trình này được thực hiện trong các nhà máy lớn, sau đó các thùng sơn mới được chuyển đến các cửa hàng. Do đó, hoạt động pha sơn thuộc quy trình đẩy, vì chúng được thực hiện theo dự báo trước nhu cầu của khách hàng.
Song trên thực tế, nhu cầu không ổn định, chuỗi cung ứng sơn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thoả mãn cung – cầu. Vào những năm 1990, các chuỗi cung ứng sơn đã được tái cấu trúc để việc pha trộn các màu được thực hiện tại các cửa hàng bán lẻ sau khi khách hàng đặt hàng. Trong trường hợp này, việc pha màu được chuyển từ giai đoạn đẩy sang giai đoạn kéo của chuỗi cung ứng mặc dù việc chuẩn bị cơ sở và đóng gói lon vẫn được thực hiện trong giai đoạn đẩy. Kết quả là khách hàng luôn có thể chọn màu sơn theo ý muốn, trong khi tổng lượng sơn tồn kho trên toàn chuỗi cung ứng đã giảm.
Ngoài hai cách tiếp cận chính trên, doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận các hoạt động trong chuỗi cung ứng dưới góc nhìn vĩ mô (Supply chain Macro Processes).
Supply chain Macro Processes (CRM, ISCM, SRM)
Có 3 mảng chính thể hiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà cung cấp, doanh nghiệp với khách hàng và nội bộ doanh nghiệp:
Customer Relationship Management (CRM):
- Quản lý các hoạt động giữa doanh nghiệp và khách hàng (quảng cáo, bán hàng, khuyến mãi, v.v.)
- Mục tiêu: đáp ứng nhu cầu khách hàng, quản lý và theo dõi đơn hàng.
Internal Supply Chain Management (ISCM):
- Quản lý các hoạt động nội bộ công ty (hoạt động lên kế hoạch về địa điểm và kích cỡ kho, đưa ra quy định về tồn kho, v.v.)
- Mục tiêu: đáp ứng nhu cầu do quy trình CRM tạo ra một cách kịp thời và với chi phí thấp nhất có thể.
Supplier Relationship Management (SRM):
- Quản lý các hoạt động giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp (hoạt động đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp, thương thuyết về các vấn đề liên quan việc cung cấp, nhà cung cấp, v.v.)
- Mục tiêu: sắp xếp và quản lý nguồn cung cấp cho sản phẩm và dịch vụ.
Để chuỗi cung ứng thành công, điều quan trọng là ba quá trình vĩ mô được tích hợp tốt.
Minh Ngô