“Báo động đỏ” cho khả năng cung cấp
Mới đây, vào ngày 4 tháng 6 năm 2021, thương hiệu ô tô danh tiếng của Nhật Bản – Nissan đã phải tuyên bố lùi lại ngày ra mắt chiếc xe Ariya – sản phẩm chủ lực mới của hãng trong một lĩnh vực hoàn toàn mới – dòng xe điện tử, đến tận kì triển lãm mùa đông (chưa rõ thời gian cụ thể). Cuối cùng, “sợi lông ngựa treo thanh gươm” lơ lửng của Nissan cũng đã đứt, bởi một thứ “nhỏ bé và tầm thường” vô cùng: Chip điện tử.
Không chỉ Nissan, khoảng 63% doanh nghiệp có sử dụng chip và các linh kiện bán dẫn được phỏng vấn và lấy ý kiến cho biết họ đang chịu sự thiếu hụt về chip điện tử và các linh kiện bán dẫn ở nhiều cấp độ khác nhau trong thời kì COVID. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất (cả sản xuất nguyên mẫu và sản xuất hàng loạt). Một vật dụng nhỏ bé như chip điện tử lại đang gây chao đảo cho ngành sản xuất công nghệ cao của hàng loạt tập đoàn lớn với đủ chủng loại hàng hóa – từ chiếc smartphone, bộ PS5 tay cầm, và cả những chiếc ô tô thế hệ mới.
“Thủ công nghiệp” một cách “hàng loạt”
Trong ngành sản xuất bán dẫn và linh kiện bán dẫn, đặc thù về chuyên môn là rất lớn: Chỉ những nhân lực đã được đào tạo chuyên sâu về cách vận hành mới có thể đảm đương được trách nhiệm. Cùng với đó là yêu cầu công – kỹ, nhu cầu người dùng và cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Bởi vậy, không có gì bất ngờ khi số tiền đổ vào hoạt động R&D và các chi phí tài sản cố định cao một cách vượt trội so với các ngành công nghiệp chế tạo khác, lần lượt là 22% và 26%.
Bên cạnh đó, đây còn là một chuỗi cung ứng được chuyên môn hóa cao ở cấp độ quốc gia. Trong khi Hoa Kỳ thiên về R&D, Trung Hoa và các nước Đông Á khác lại thiên về chế tạo các đĩa bán dẫn. Đây đều những hoạt động cần những khoản chi phí khổng lồ, nếu không được tài trợ bởi chính các quốc gia đó thì khó có đủ sức cáng đáng.
Fact: Chất bán dẫn (seimiconductor) đã được sử dụng cho một số mục đích khác nhau từ cuối thế kỉ 19, và chính thức bước chân vào kỷ nguyên công nghiệp hiện đại từ năm 1947 với linh kiện bán dẫn chủ động tranzito (transitor) được nghiên cứu và sản xuất, từ đó mở ra lịch sử hơn 60 năm của linh kiện bán dẫn.
Căng thẳng năm COVID
Đại dịch COVID đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về tính liên tục trong kế hoạch kinh doanh của hàng loạt tập đoàn lớn về điện tử. Giao thương bị đình trệ và ngắt quãng trong khi các biến chủng liên tục xuất hiện khiến dịch bệnh không thể đoán trước. Quả là một “cú đâm sau lưng” vào chính sự chuyên môn hóa quá cao của chuỗi cung ứng chip và linh kiện bán dẫn.
Một phương án thay thế đã được tính đến, trong đó việc sản xuất các linh kiện này sẽ mang tính “địa phương” hơn. Nhưng với số tiền đầu tư cho mỗi vùng lên đến khoảng 1 tỷ đô la, đổi lại là hiệu quả không chắc chắn, sự lo sợ bị đánh cắp công nghệ lõi, cũng như giá thành sẽ tăng đến 55% so với hiện tại (và dẫn đến sự tăng giá khủng khiếp của các sản phẩm “mẹ”) đã khiến ý tưởng này không thể thành hiện thực.
Một yếu tố quan trọng không kém chính là sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung, mà rộng hơn là giữa Trung Quốc với khối đồng minh kinh tế của Hoa Kỳ. Việc hai bên cố gắng tránh phụ thuộc vào nhau, đồng thời tăng cường các hành động trả đũa công khai hoặc không công khai, càng đặt chuỗi cung ứng vốn đã mong manh, giờ còn “dễ vỡ” hơn.
Đánh giá thấp và cái giá phải trả?
Liệu các doanh nghiệp có “kế hoạch dự phòng” nào trong bối cảnh hiện tại?
Fact: Lead time của các sản phẩm chip đầu năm 2021 đã lên tới 15 tuần, tức vượt qua cả kỉ lục tháng Bảy năm 2018 (14 tuần).
Ngành công nghiệp tự động cơ giới và sản xuất ô tô chính là ngành sản xuất đầu tiên “thấm đòn” của sự thiếu hụt chip và linh kiện bán dẫn. Việc lập kế hoạch cho vật tư không đủ dài hạn (thực tế là cũng khó để dài hạn) và đánh giá chưa đúng nhu cầu của thị trường dẫn đến tình trạng thiếu linh kiện và chip điện tử.
Bản thân nhu cầu có phần “bấp bênh” cũng đang tạo thế khó cho các nhà cung ứng. Các loại chip “low-level” (có thể hiểu là thấp hơn) lại đang có nhu cầu tăng đột biến: từ sản xuất hàng điện tử tiêu dùng đến các thiết bị hiển thị điện tử trên ô tô, xe máy và các phương tiện di chuyển khác.
Trong khi đó, các chip và linh kiện bán dẫn siêu nhỏ lại đang bị Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) và Hàn Quốc hoàn toàn “áp đảo” trong sản xuất và cung ứng. Và khi hai quốc gia này, cùng Đông Á nói chung, đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh và biến chủng mới, sẽ còn rất rất xa để chắc chắn rằng nguồn cung cho loại chip này sẽ sớm được ổn định. Bởi vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi các dòng xe mới phải hoãn lại ngày ra mắt hay các sản phẩm như Xbox hay PS5 ít xuất hiện trên kệ hơn.
“Địa phương hóa” hay “Toàn cầu hóa”?
Trong bối cảnh đại dịch, các nhà cung ứng chip đang là những người hưởng lợi nhiều nhất: 59% các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn trong ngành sản xuất ô tô đang tỏ ra tự tin về các dấu hiệu tích cực mà COVID mang lại; 32% các nhà cung cấp trong ngành phát triển Internet vạn vật (IoT) có phản hồi tương tự. Tuy nhiên, một bài toán quan trọng hơn đang được đặt ra: Phải làm gì để cải thiện tính đứt gãy của chuỗi sao cho vừa gia tăng giá trị, luân chuyển tiền tệ, vừa đảm bảo uy tín?
Fact: Chip và các linh kiện bán dẫn là loại hàng hóa được giao thương nhiều thứ 4 trên thế giới, chỉ sau dầu thô, dầu tinh luyện, và khí gas.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, và việc đầu tư để tạo thành các vùng tự cung cấp các linh kiện này còn rất đắt đỏ và có phần “phi thực”, có lẽ cách giải quyết duy nhất chính là đặt một hệ thống trao đổi toàn cầu dựa trên tính chuyên môn hóa của từng quốc gia, áp dụng sự phụ thuộc lẫn nhau, đi song song với độc lập và làm chủ công nghệ.
Mặc dù Intel đã công bố bản kế hoạch 20 tỷ đô la để sản xuất, nhưng rõ ràng Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Cộng với việc hàng rào thuế quan của mặt hàng đặc biệt này đang được hạ xuống và có xu hướng được bãi bỏ trong tương lai, rất hy vọng việc sản xuất chip và linh kiện bán dẫn sẽ đạt được những tiến triển mới, vừa làm lợi cho người tiêu dùng, vừa tăng cường sức cạnh tranh và tính năng sản phẩm.
Thanh Nguyễn