Từ kinh tế tuyến tính đến kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuyến tính (Linear Economy) là mô hình kinh tế trong đó các sản phẩm và tài nguyên được sử dụng một lần và sau đó bị loại bỏ, hậu quả là khiến nguồn tài nguyên hữu hạn cạn kiệt dần nhưng kỹ thuật tái sử dụng còn hạn chế, gây ra gián đoạn sản xuất. Người ta nhận ra rằng nền kinh tế tuyến tính không còn hiệu quả, và cần phải tìm ra một xu hướng mới bền vững hơn, đó là kinh tế tuần hoàn. Khái niệm kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ XX, qua sự xuất hiện của những giỏ hàng và xe đẩy thay cho túi sử dụng một lần, để rồi đến năm 1990, Pearce và Turner đã miêu tả sự biến đổi sang nền kinh tế mà rác thải biến thành nguyên liệu.
Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) là mô hình kinh tế mà các hoạt động sản xuất gắn liền với kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ thì kinh tế tuần hoàn đã thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo. Mục tiêu của mô hình là phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, đối với đại đa số doanh nghiệp hiện nay, việc có thể chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn không phải chuyện dễ dàng. McKinsey đã giới thiệu mô hình ReSOLVE – như một chỉ dẫn cho các doanh nghiệp.
Để phát triển hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, các quốc gia và doanh nghiệp bám sát theo mô hình ReSOLVE, viết tắt của Regenerate, Share, Optimize, Loop, Virtualize, và Exchange. Cụ thể:
- Regenerate – tái tạo: đề cập đến việc tái tạo và phục hồi, trong đó ưu tiên bảo vệ, khôi phục và tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái
- Share – chia sẻ: tối đa hóa việc sử dụng sản phẩm thông qua chia sẻ; tái sử dụng chúng trong suốt vòng đời kỹ thuật của và kéo dài khoảng thời gian sử dụng đó thông qua bảo trì, sửa chữa và thiết kế.
- Optimize – tối ưu hóa: cải thiện hiệu suất và hiệu quả của sản phẩm, giảm sử dụng tài nguyên và thực hiện hậu cần ngược
- Loop – tái sử dụng/tái chế: đề cập đến việc giữ sản phẩm và vật liệu theo chu kỳ, ưu tiên các vòng bên trong như tái sản xuất và tân trang các sản phẩm và linh kiện, và tái chế vật liệu được ưu tiên
- Virtualize – số hóa: tiến hành chuyển đổi số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Exchange – chuyển đổi: thay thế vật liệu cũ bằng vật liệu tiên tiến những thứ tái tạo được; áp dụng các công nghệ mới như công nghệ in 3-D và động cơ điện.
Làm được những mục này, đa số vật liệu bị bỏ đi sẽ biến thành nguyên liệu sản xuất, giảm thiểu rác thải và chi phí.
Những ưu điểm mà mô hình ReSOLVE nói riêng và nền kinh tế tuần hoàn nói chung mang lại là không phải bàn cãi, tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu lớn vẫn đang là rào cản đối với nhiều doanh nghiệp. Mặc dù vậy, với tiềm lực tài chính của mình thì một số ông lớn đang rất tích cực áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như: Unilever Việt Nam, Ly and Man Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam và điển hình là Heineken.
Doanh nghiệp tỷ đô với tham vọng bền vững
Heineken thực hiện Regenerate – sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo. Nhà máy bia để vận hành sẽ cần hai loại năng lượng chính: nhiệt năng cho khâu nấu bia và điện năng cho khâu lên men, làm lạnh, đóng gói sản phẩm. Dầu diesel trước đây được dùng làm nguồn nhiệt năng nhưng trong vài năm trở lại đã được thay thế hoàn toàn bởi biomass (năng lượng sinh khối) từ vỏ trấu, mùn cưa, các phế phẩm trong nông nghiệp mua lại từ người nông dân. Không dừng ở đó, doanh nghiệp còn tận dụng nguồn nguyên liệu sạch ngay tại địa phương. Câu chuyện về loại bia thơm mùi cam Vinh từng cháy hàng là một ví dụ điển hình cho tối đa hóa nguồn cung ứng nội địa và giảm phát thải carbon do quãng đường ngắn. Ngoài ra, phụ phẩm bã bia sau quá trình sản xuất được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Nước thải cũng được xử lý triệt để, có thể dùng để tưới cây hoặc nuôi cá.
Để tái sử dụng, tái chế sản phẩm (Loop) dễ dàng hơn, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng trong khâu thiết kế bao bì nhằm tránh vỡ, trầy xước. Một chai thủy tinh của Heineken Việt Nam có thể tái sử dụng đến 30 lần, két nhựa đựng chai được đặt mục tiêu có thể tái sử dụng trong 5-10 năm ngay từ khâu thiết kế. Nhờ có sự sáng tạo mà thiết kế T-flute của thùng carton đã tiết kiệm được 273 tấn giấy/năm và tăng 17% số lượng thùng vận chuyển trên 1 chuyến xe. Đối với lon bia, khâu thiết kế một lần nữa được tối ưu hóa nhất có thể: giảm nguyên liệu nhưng vẫn phải đảm bảo đủ độ dày, không bị móp méo trong vận chuyển. Lon nhôm được sản xuất từ 40% nhôm tái chế, giúp tiết kiệm hơn 90% năng lượng so với nhôm mới. Sau khi tiêu thụ, bao bì được thu gom trực tiếp tại hàng quán, siêu thị để tiến hành vòng lặp tái chế.
Hiệu suất sử dụng nước (nguyên liệu chính làm bia) tại Heineken Việt Nam hiện đạt 2,65hl/hl, thấp hơn 13% so với mức bình quân của ngành. Để sử dụng nguồn nguyên liệu này hiệu quả (hay tối ưu hóa – Optimization), doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức của nhân sự, liên tục rà soát quy trình tại nhà máy để không ngừng cải tiến cũng như áp dụng công nghệ.
Nhờ thực hiện những điều trên, 5/6 nhà máy của doanh nghiệp đều đạt hiệu suất sử dụng nước thấp nhất và toàn bộ nước thải được xử lý an toàn trước khi trả về môi trường. Năm 2021, 6/6 nhà máy đều đạt mục tiêu không còn rác thải chôn lấp, tái sử dụng và tái chế 100% các phụ, phế phẩm trong sản xuất, sử dụng nhiệt năng tái tạo từ năng lượng sinh khối. Trong tương lai, nếu cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được ban hành tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng không của mình.