Châu Âu, cùng với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đang thôi thúc Việt Nam khôi phục lại các chuyến bay quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít nước đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt và cũng là địa điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư đang muốn chuyển dịch và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu theo chiến lược “Trung Quốc + 1”.
Ông Nicolas Audier, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong buổi trò chuyện với một nhà báo tại thành phố Hồ Chí Minh vào thứ 6 tuần trước, đã yêu cầu Hà Nội sớm phê chuẩn và cấp visa cho người nước ngoài được phép vào nước.
Hà Nội hiện tại đã cho phép người nước ngoài rời khỏi Việt Nam và cho phép một số chuyến bay thương mại quốc tế hạ cánh trong nước để hỗ trợ hành khách trở về châu Âu. Tuy nhiên, những chuyến bay quốc tế từ châu Âu đến Việt Nam khả năng cao vẫn sẽ không được khôi phục cho tới năm 2021.
Phiên họp Quốc Hội diễn ra vào ngày 08/06 đã chính thức phê duyệt hiệp định thương mại tự do EVFTA, và Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore) ký kết thành công hiệp định thương mại với liên minh châu Âu. EVFTA dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 08 năm nay.
Ông Giorgio Aliberti – Đại sứ châu Âu tại Việt Nam cho biết nhờ vào EVFTA, các doanh nghiệp châu Âu sẽ càng thêm hứng thú với việc đầu tư vào Việt Nam. Thực tế, EVFTA diễn ra ngay trong thời điểm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng. Một khi hiệp định này có hiệu lực, 71% các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi châu Âu sẽ được miễn thuế. Hà Nội sẽ loại bỏ 99% thuế quan còn lại trong vòng 10 năm tới, Bỉ cũng sẽ thực hiện ưu đãi tương tự trong vòng 07 năm.
Ông Aliberti chia sẻ: “COVID-19 và những yếu tố khách quan đã khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không nên tập trung quá nhiều vào Trung Quốc mà phải nhanh chóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tôi nghĩ rằng đây vừa là thách thức lớn và cũng là một cơ hội tuyệt vời, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ và thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài.”
Ông Audier cũng khẳng định rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn tốt nhất khi nhiều công ty có xu hướng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ qua một quốc gia trung gian.
Tuy nhiên, tất cả các tuyến bay nối giữa Việt nam và châu Âu đã tạm ngừng vận hành từ 01/04 do sự hoành hành của virus Corona tại các nước châu Âu.
Theo ông Audier, “Các doanh nghiệp tại châu Âu đang làm việc với các đối tác Việt Nam thông qua những phiên họp trực tuyến, tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư vẫn mong muốn được trực tiếp đến Việt Nam như trước đây họ đã làm.” Đại diện từ các công ty lớn ở châu Âu thường sẽ ở Việt Nam trong 02 ngày, sau đó bay sang Malaysia và một số quốc gia trong khu vực mà họ đang đầu tư vào. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện tại được xem là “cửa ngõ” để doanh nghiệp châu Âu dễ dàng tiếp cận khu vực Đông Nam Á.
“Nghị viện châu Âu đủ thông thái để hiểu được Việt Nam là một đất nước vai trò quan trọng nhất trong khu vực Đông nam Á. Vào năm 2030 hay 2040, Việt Nam sẽ trở thành trụ cột của Đông Nam Á, và Đông Nam Á sẽ được xem là trụ cột của cả châu Á này.”, ông Audier phát biểu.
Nhu cầu từ các công ty tại châu Âu đã thúc đẩy Hà Nội và liên minh Châu Âu bắt đầu thảo luận về việc nối lại các chuyến bay giữa thủ đô Việt Nam và một số thành phố tại châu Âu như Paris, Luân Đôn và Frankfurt. Tuy nhiên, cuộc đàm phán vẫn chỉ đang dừng lại ở những bước đầu, đặc biệt khi nhìn nhận sự phức tạp của dịch bệnh tại châu Âu.
Chính phủ Việt Nam hiện đang chỉ đạo các ban ngành liên quan nghiên cứu những địa điểm ở châu Á để tái vận hành các chuyến bay trong châu lục, tiêu biểu tới các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Úc, hướng đến sự khôi phục về thương mại và du lịch. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn rất thận trọng về quyết định này khi xem xét rủi ro về làn sóng dịch bệnh mới trong nước. Thủ đô Hà Nội vẫn còn lưỡng lự trong việc tuyên bố dịch bệnh chính thức được đẩy lùi.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF trong tháng 4 vừa rồi đã dự tính nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm 2020, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 7% liên tục trong 02 năm gần đây. Tuy nhiên, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn giữ vững cam kết đạt được mục tiêu tăng trường tổng sản phẩm quốc nội (GNP) đạt trên 5% trong năm nay.
Nhà kinh tế học tại Natixis, ông Trịnh Nguyễn, phân tích trong bản báo cáo tháng trước: “Khả năng kiểm soát đại dịch để đảm bảo nhà máy tiếp tục duy trì hoạt động và những cán bộ nước ngoài chủ chốt được phép nhập cảnh sẽ giúp đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh sau COVID-19 vì thương hiệu Việt Nam đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư.”
Ông Aliberti phát biểu: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài không phải thứ sẽ diễn ra chỉ trong một đêm, nó đòi hỏi một thời gian dài chờ đợi.” Ông cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn cần phải có nhiều biện pháp triệt để hơn để khắc phục vấn đề về thủ tục lằng nhằng và kéo dài khi đầu tư vào Việt Nam.
Biên dịch: Dandelion