Trong suốt 3 năm vừa qua với dịch bệnh Covid-19, chiến tranh Nga-Ukraine cùng những ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, các tổ chức thế giới đã đo lường sự phục hồi của chuỗi cung ứng ra sao? Thực tế, các tổ chức lớn đã nghĩ ra những chỉ số riêng để đo lường áp lực chuỗi cung ứng từ lâu, và 3 chỉ số tiêu biểu sau đây:
1. Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu
Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu GSCPI là một chỉ số do Fed New York (Cục dự trữ liên bang Mỹ) công bố và nó bao gồm 27 biến số hàng tháng phản ánh các sự kiện trong chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển trong lĩnh vực hàng hóa hàng hải và hàng không. Chỉ số được chuẩn hóa sao cho số 0 biểu thị giá trị trung bình và độ lệch chuẩn ở trục tung biểu thị mức độ căng thẳng và nghiêm trọng mà một sự kiện ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Theo đó, giá trị dương hàm ý rằng chuỗi cung ứng này đang chịu áp lực và ngược lại, giá trị âm được thể hiện khi chuỗi cung ứng hoạt động tốt và gặp phải ít những sự gián đoạn hay hạn chế.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ về chỉ số này ở chỗ nó chỉ phản ánh áp lực lên chuỗi cung ứng. Ở trạng thái bình thường, GSCPI dự kiến ở dưới mức 0. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, được coi là sự khởi đầu của một cuộc suy thoái lại cho thấy chỉ số âm, do nhu cầu sụt giảm được coi như giúp loại bỏ áp lực đáng kể lên chuỗi cung ứng. Xu hướng biển hiện rõ nét ở sau giai đoạn bùng nổ chiến sự Nga-Ukraine, vậy nên giá trị âm không nhất thiết phản ánh triển vọng kinh tế tốt.
Ngược lại, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gián đoạn ở mức kỷ lục do sự kiện này ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến GSCPI năm 2020 tăng mạnh. Đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, chỉ số này có xu hướng giảm nhưng chiến tranh ở Ukraine đã tạo thêm sự gián đoạn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Sau đó, chỉ số này tiếp tục xu hướng giảm do chu kỳ lạm phát đáng kể trước đó đang có tác động làm giảm nhu cầu. Đến năm 2023, chỉ số này chuyển sang mức âm đến mức kỷ lục trước sự sụt giảm nhu cầu đáng kể.
2. Chỉ số ổn định chuỗi cung ứng
Chỉ số thứ hai là chỉ số ổn định chuỗi cung ứng do một Big4 trong ngành kiểm toán KPMG và Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng (ASCM) đồng sáng lập. Tính ổn định xem xét khả năng chuỗi cung ứng đạt được những mục tiêu hoạt động chính trên cơ sở nhất quán. Chỉ số định lượng mức độ các thách thức trong chuỗi cung ứng thông qua các hoạt động vĩ mô dựa trên hơn 25 số liệu về hậu cần trong nước và quốc tế. Giá trị bằng 0 của chỉ số cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động ổn định.

Theo chỉ số này, chi phí vận chuyển hàng hóa và nhân công là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng trong chuỗi cung ứng, chiếm phần lớn sự biến động trong hiệu quả hoạt động. Tiếp theo là tình trạng sẵn có lao động trong chuỗi cung ứng và sự gián đoạn cung ứng. Những thay đổi trong chuỗi cung ứng là yếu tố chính trong các quyết định mua hàng và là động lực dẫn đến biến động giá cả. Để đón đầu sự thay đổi, bốn yếu tố được xem xét trong Chỉ số ổn định chuỗi cung ứng:
- Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển
- Tốc độ hàng hóa đến đích
- Chi phí vận chuyển hàng hóa từ nguồn đến đích cuối cùng
- Sự biến động của các yếu tố này
3. Chỉ số biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu
Cuối cùng là chỉ số biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu do GEP và S&P Global đưa ra nhằm đo lường mức độ sử dụng năng lực, tính sẵn có của sản phẩm và sự biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Dựa trên dữ liệu PMI (chỉ số quản lý thu mua), chỉ số theo dõi giá cả hàng hóa và các chỉ số cung ứng tác động đến thời gian giao hàng để cho thấy những số liệu về sự biến động. Mặc dù chỉ số PMI được dựa trên khảo sát, nó được xem là một thước đo khách quan về hoạt động kinh tế bởi bộ câu hỏi và phép tính được tiêu chuẩn hóa.
Giá trị bằng 0 của chỉ số cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động ổn định. Khi chỉ số lớn hơn 0, điều đó biểu thị rằng chuỗi cung ứng đang bị kéo căng, còn ngược lại, nếu nhận giá trị âm, năng lực của chuỗi cung ứng đang chưa được tận dụng hết. Trong cùng giai đoạn sau Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy xu hướng giống nhau: tại châu Á, nhu cầu ngày càng tăng ở Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đòi hỏi chuỗi cung ứng phải phục hồi nhanh; tại châu Âu, năng lực dự phòng của nhà cung cấp tăng vọt trong bối cảnh điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi; tại Bắc Mỹ, nhu cầu giảm sút và lượng hàng tồn đọng tăng do thiếu nhân viên.

Tuy nhiên, khi nhìn vào biểu đồ, kể từ quý 1/2022, chỉ số áp lực chuỗi cung ứng và chỉ số biến động chuỗi cung ứng toàn cầu đã có xu hướng giảm, tuy nhiên chỉ số ổn định chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục tăng. Vậy tại sao ba chỉ số lại cho thấy hai xu hướng ngược chiều nhau?
Sự sai lệch này nằm ở nguồn dữ liệu của các yếu tố tác động đến các chỉ số. Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng và chỉ số biến động chuỗi cung ứng được thúc đẩy bởi chỉ số PMI (Chỉ số Nhà quản trị mua hàng), trong khi đó một phần của chỉ số áp lực và toàn bộ chỉ số ổn định được dựa trên các số liệu khách quan của chính phủ và các tổ chức độc lập. Do đó, chỉ số ổn định chuỗi có dữ liệu đến từ Hoa Kỳ trong khi hai chỉ số còn lại dựa trên dữ liệu từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Trong thời kỳ chuỗi cung ứng quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, một số chức năng đã phục hồi dần nhưng một số khác vẫn còn chịu những áp lực cao và đứt gãy như tồn kho và nhân lực suy giảm hậu suy thoái kinh tế . Vì vậy, cần một khoảng thời gian áp dụng những biện pháp phục hồi để chuỗi cung ứng trở lại trạng thái ổn định hơn.
Hà Trang