Vào năm 2020 và 2021, với chiến lược “zero covid” các nhà máy có thể mở cửa xuyên suốt đại dịch để sản xuất mọi thứ từ thiết bị y tế đến máy tính, điện thoại mà người tiêu dùng toàn cầu săn đón với tốc độ kỷ lục. Nhưng đã có những trường hợp lây nhiễm cục bộ được xác nhận kể từ giữa tháng 10 và có khả năng cần phải có những biện pháp khắt khe hơn để hạn chế sự lây lan của omicron, gây hậu quả nghiêm trọng đối với các cảng và nhà máy khi nhiều thành phố đóng cửa.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Bắc Kinh không phải đối mặt tình trạng thiếu thực phẩm như Úc hoặc Nhật Bản, hay thiếu hụt lao động như Mỹ có tới 5 triệu công nhân phải nghỉ vì mắc Covid. Tuy nhiên với biến chủng mới, “zero covid” là một hạn chế khi Trung Quốc chuẩn bị đăng cai Thế vận hội mùa đông vào tháng tới và một loạt các sự kiện chính trị vào cuối năm. Các nhà hoạch định chính sách phải quyết định gia tăng các mức độ hạn chế và xem xét điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Việc đơn đặt hàng toàn cầu tăng vọt, tắc nghẽn cảng cùng với nhiều nhà máy ở Trung Quốc buộc phải dừng hoạt động, một lần nữa làm tình hình thêm tồi tệ.
Đơn cử như công ty Prime Success Enterprises Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông sản xuất các sản phẩm đồ chơi giải trí và giáo dục như lều cho trẻ em, bồn tắm cho thú cưng v.v. Theo giám đốc điều hành, hiện công ty có 5 container bị trì hoãn do dịch bệnh bùng phát ở Ninh Ba, nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất của doanh nghiệp. Nếu không thể vận chuyển lô hàng trước Tết Nguyên Đán, công ty sẽ bỏ lỡ cơ hội tung sản phẩm ra ngoài thị trường.
Theo phân tích của Oxford Economics, chi phí vận chuyển container vẫn tăng gấp bội so với mức cao nhất trong cuộc khủng hoảng, giá nguyên liệu thô vẫn ở mức cao và gián đoạn có thể sẽ kéo dài trong năm nay.
Năm ngoái, nhiều nhà sản xuất ở Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng khi các quốc gia như Việt Nam và Malaysia khi thực thi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, khiến việc sản xuất chất bán dẫn, quần áo v.v đình trệ kéo dài. Điều này đã thúc đẩy một số công ty chuyển dịch sản xuất trở lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc, sự gia tăng Omicron trên khắp Trung Quốc và châu Á có thể là nguyên nhân dẫn đến “sự gián đoạn của tất cả các chuỗi cung ứng” trong năm nay. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Mỹ cảnh báo rằng, châu Á vẫn chưa trải qua sự lây lan khủng khiếp của Omicron, đồng nghĩa là tác động tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Nếu Trung Quốc thành công trong việc ngăn chặn biến chủng này, điều đó sẽ giảm bớt áp lực nguồn cung toàn cầu.
Hồng Đào
Hong Kong: Chuỗi cung ứng đứng trước bờ vực sụp đổ