Zero Covid khiến hàng hóa khan hiếm dần
Hong Kong là thành phố cũng phải hứng chịu hệ quả chung của Covid-19 là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một thành phố vốn phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa. Vậy nên, điều này đã khiến các mặt hàng chủ lực như quả mọng, sữa chua, hải sản và phô mai cao cấp rơi vào tình trạng thiếu hụt và các chủ doanh nghiệp giao hàng chậm trễ.
Việc thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội đã có nhiều tác động tiêu cực đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu của các nhà bán lẻ và nhà hàng sẽ bị giảm sút và có thể không thu hồi lại được vốn. Bên cạnh đó, các chuyến bay bị cắt giảm khiến lượng hàng hóa không đủ cung cho nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này rất có thể sẽ thúc đẩy tăng giá và lạm phát cao.
Cụ thể, Cathay Pacific Airways, hãng hàng không có mạng lưới kết nối rộng nhất của thành phố, đã phải hủy hàng trăm chuyến bay. Do đó, lượng hàng hóa được vận chuyển có thể giảm xuống dưới 20% mức trước đại dịch. Ngoài ra, chi phí logistics được dự đoán có thể tăng 40% trong vòng 3 tuần và giá trái cây có thể sẽ tăng 10%.
Quy định kiểm soát dịch nghiêm ngặt của Hong Kong cũng tương tự như ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, thành phố 7,4 triệu dân này phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu chứ không có khả năng tự cung giống như Trung Quốc. Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng Zero Covid có phải là một chiến dịch bền vững hay không?
Omicron đè nặng áp lực lên giá cả
Mối đe dọa về sự lây lan của biến thể Omicron khiến giá cả tăng cao đã đẩy Hong Kong đến “bờ vực” lo lắng. Cụ thể, tỷ lệ tiêm chủng tại thành phố này lại thuộc hàng thấp nhất đối với các nền kinh tế phát triển. Dù chỉ ghi nhận khoảng 10 ca nhiễm cộng động cho đến nay, nhưng không thể nào chắc chắn rằng trong tương lai vẫn có thể đảm bảo con số thấp như vậy.
Đối mặt với bối cảnh này, chính quyền thành phố đã loại bỏ quy định ưu tiên không cách ly với các đội bay. Điều này buộc Cathay Pacific Airways phải cắt giảm các chuyến bay chở hàng. Trong tháng 1/2022, hãng hàng không này sẽ chỉ hoạt động khoảng 20% công suất so với trước đại dịch do không đủ nhân sự. Các chuyến bay chở khách khác cũng bị cấm từ 8 quốc gia, làm giảm khả năng vận chuyển hàng hóa.
Các doanh nghiệp đứng trước bờ vực sụp đổ
Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về không gian vận chuyển hàng hóa khiến hàng không đủ cung ở Hong Kong đã tạo nên áp lực lớn đối với từng doanh nghiệp, từng ngành hàng. Trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay, rất có thể người dân ở quốc gia này sẽ không có hoa để trưng, không đủ rau củ hay tôm hùm để sử dụng.
Ngành bán lẻ và nhà hàng ở thành phố này chỉ vừa mới phục hồi nhưng cũng không tránh khỏi sự sụt giảm doanh thu trong năm trước. Cụ thể, doanh thu từ cả 2 lĩnh vực này chỉ đạt 42 tỷ USD trong 3 quý đầu tiên năm 2021 sau khi thành phố nới lỏng lệnh hạn chế. Con số này thấp hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2018, thời điểm trước khi xảy ra bất ổn chính trị khiến nền kinh tế thiệt hại nghiêm trọng.
Những điều này đang tạo ra một “cơn ác mộng” đối với nhiều doanh nghiệp. Họ đang nỗ lực tìm cách khắc phục tình trạng này trong ngắn hạn và có thể kỳ vọng vào sự khả quan trong thời gian tới. Theo ông Jacques Derreumaux, nhà đồng sáng lập Cheese Club và WHAT’sIn, dịch vụ giao hàng cung cấp phô mai và rau củ quả tươi từ Pháp, cho biết hãng này đang chuyển hàng qua các tuyến vận chuyển hàng không thay đổi lộ trình do các chuyến bay từ Pháp đã bị cấm và hy vọng hàng có thể về kịp trong dịp mua sắm cận Tết.
Theo ông Michael Li, Phó thư ký danh dự của Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu Trung Quốc tại Hong Kong, quy định hạn chế sẽ khiến giá bán lẻ tăng đột biến; thời gian giao hàng sẽ kéo dài hơn và chi phí vận chuyển có thể tăng khoảng 30%. Điều này là một bài toán khó không chỉ với các nhà cung cấp mà cả với người tiêu dùng. Họ cần phải tính toán để có thể mua đủ lương thực dùng trong thời gian tới với số tiền phù hợp như thường lệ.
Thanh Thảo
Dự đoán về việc chấm dứt khủng hoảng vận tải biển