Giá xăng dầu leo thang ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp logistics
Theo trang Investing, giá dầu Brent đã tăng hơn 60% trong năm nay, chạm mức cao nhất ba năm ở 86,70 USD vào tuần trước khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh do Nga dẫn đầu chậm chạp trong việc nới lỏng thoả thuận giảm sản lượng kỷ lục.
Tương tự tại Việt Nam, sau khi Liên Bộ Công Thương – Tài chính thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào ngày 26/10, giá xăng dao động 23.110 – 24.338 đồng/lít, giá dầu khoảng 17.210 – 18.171 đồng/lít, tăng 35 – 50% so với đầu năm.
Như vậy, giá xăng dầu chỉ cần tăng chưa đến 2.000 đồng/lít sẽ chạm đỉnh lịch sử năm 2014 và có thể thiết lập mức kỷ lục mới khi cơn khủng hoảng năng lượng trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau nhiều tháng bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19, hầu hết doanh nghiệp đều khó khăn về vốn, nay chịu thêm áp lực về giá nhiên liệu, v.v. sẽ thật khó để chống cự.
Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 – 35% cơ cấu giá thành vận tải. Chính vì vậy, việc tăng giá buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh bảng giá mới, cân bằng chi phí và lợi nhuận, điều này gây khó xử cho cả doanh nghiệp lẫn đối tác.
Ngoài ra, doanh nghiệp logistics vẫn đang cõng thêm nhiều chi phí phát sinh như xét nghiệm, bến bãi, hỗ trợ nhân viên, v.v. Vì vậy, khi giá xăng tăng mạnh và đột ngột, doanh nghiệp logistics không kịp trở tay, khó khăn chồng chất khó khăn.
Ông Vũ Trọng Tuệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tân Nam Chinh cho biết: “Nếu đà tăng của giá xăng dầu khó hãm, chi phí logistics cao, hàng hóa Việt Nam sẽ mất tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khách hàng sẽ tìm kiếm những mối hàng chất lượng tương đương nhưng giá vận chuyển rẻ hơn”.
Cũng theo ông Nguyễn Tương, cố vấn Hiệp hội Logistics Việt Nam: “Giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến nền kinh tế nói chung, trong đó doanh nghiệp sản xuất, vận tải thiệt hại nhất. Xe khách không dám kinh doanh vì giá xăng tăng đỉnh, nhu cầu lác đác, cứ chạy là lỗ. Còn với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, logistics, doanh thu tăng nhưng chi phí ăn mòn lợi nhuận”.
Giải pháp nào có thể kìm giá xăng dầu?
Thông thường, khi giá xăng dầu tăng mạnh, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết giá mặt thiết yếu này. Đặc biệt, có thời điểm, mức chi quỹ lên tới 2.000 đồng/lít cho xăng E5 RON 92.
Tuy nhiên, đến hết tháng 10, Quỹ bình ổn của Petrolimex âm 262 tỷ đồng, PVOil âm gần 700 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp còn lại cũng đang dần cạn quỹ. Do đó, nếu thời gian tới giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang theo giá xăng dầu thế giới, áp lực lên Quỹ bình ổn giá ngày càng lớn. Ông Tương cho rằng Chính phủ cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời sống còn này.
Việc giảm thuế, phí xăng dầu cũng được các đại biểu quốc hội đưa ra trong kỳ họp lần này. Theo ông Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội), điều chỉnh về giá phải sử dụng công cụ thuế của Nhà nước đang quản lý. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng như gần đây thì cũng nên tính toán giảm thuế như nhập khẩu hoặc thuế về môi trường cũng nên tạm thời duy trì ở mức hợp lý.
Lối thoát cho doanh nghiệp
Với doanh nghiệp logistics, ngoài giá xăng dầu, những chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), giảm thuế giá trị gia tăng được cho là cần thiết. Theo đó, Quốc hội ban hành quyết định giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Tuy nhiên, VLA cho rằng với tình hình giá cước vận tải biển tăng gấp 10 lần, doanh thu của nhiều doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại đã vượt 200 tỷ nhưng không đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp tăng. Doanh nghiệp phải chịu thêm áp lực về dòng tiền của doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều.
Do đó, VLA kiến nghị áp dụng giảm 30% thuế TNDN linh hoạt với ngành nghề lĩnh vực, có thể “nới” quy định về doanh thu lên mức phù hợp với doanh nghiệp logistics do giá cước tăng theo thế giới.
Đại diện Tân Nam Chinh kiến nghị cơ quan nhà nước giãn thời hạn điều chỉnh giá xăng dầu, 30 – 40 ngày/kỳ thay vì 15 ngày như hiện tại. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu có sự chuẩn bị và không “sốc” trước những biến động mới.
Minh Ngô
ĐỌC THÊM:
Giá xăng tăng mạnh, giáng đòn lên cước vận tải và giá tiêu dùng