Vải thiều nâng tầm vị thế
Năm nay, tỉnh Bắc Giang dự tính có gần 30 nghìn ha vải thiều, trong đó toàn tỉnh có 178 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích gần 16,7 nghìn ha chiếm khoảng 1/2 trên tổng số. Theo đó, diện tích và sản lượng vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường Mỹ đã được cấp 17 mã số vùng trồng, với diện tích 205 ha và sản lượng ước tính đạt 1.500 tấn. Những vùng trồng còn lại được xuất sang Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Thời gian thu hoạch vải thiều dự kiến từ 20/5 – 30/7/2023.
Đối với vườn vải được cấp mã vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, các quy trình sản xuất cần được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Điều đặc biệt là việc nhổ cỏ hay bắt sâu đục cuống quả vải đều được làm bằng tay. Hơn nữa, thuốc bảo vệ thực vật cũng là loại thuốc sinh học được người dân tự làm từ dung dịch tỏi ớt để hạn chế tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên quả.
“Chúng tôi làm thuốc hữu cơ này nó đảm bảo sức khỏe con người. Hôm nay bơm thuốc mai vào vườn lao động bình thường, không mệt mỏi như ngày xưa và chất lượng quả vải đảm bảo cho thị trường”, anh Ngô Văn Cường – xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang cho biết.
Giá vải thiều Việt Nam trước đó được vận chuyển bằng đường hàng không tới Mỹ nên giá độn rất cao với mức dao động trong khoảng 17-20 USD/pound, trong khi vải nội địa như tại bang Florida chỉ nằm trong khoảng 4-8 USD/pound. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, những chuyến tàu trở vải đã được khởi hành khiến giá vải giảm từ 17-20 USD/pound xuống 4-8 USD/pound (xấp xỉ) tạo ưu thế tương đối cạnh tranh so với vải thiều nội địa tại Mỹ.
Hành trình đến Mỹ trải qua đắng cay ngọt bùi
Trước khi thu hoạch, người nông dân không chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất còn phải thực hiện biện pháp bao trái cho quả nhằm tránh sâu bệnh, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam phải quy hoạch vùng trồng cũng như bản đồ và mã số liên quan để có thể theo dõi thường xuyên nhằm đảm bảo vải không nhiễm bệnh. Cơ quan cấp mã số của vùng trồng này là Cục bảo vệ thực vật Việt Nam. Một điều bắt buộc nữa là mỗi lô hàng vải khi xuất khẩu sang Mỹ phải được Cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật kèm theo, trong đó nêu rõ lô hàng đã được kiểm tra tại Việt Nam, không phát hiện nhiễm nấm Phytophthora litchii và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ thực vật của Mỹ.
Để có thể xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ thì vải thiều sau khi thu hoạch cũng cần phải đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn rất khắt khe. Theo đó, vải thiều sau khi được đóng gói tại cơ sở được Cục bảo vệ thực vật cấp mã số, sẽ được vận chuyển bằng container lạnh để đưa đến Trung tâm chiếu xạ Hà Nội và tập kết trong kho lạnh. Cán bộ kiểm dịch tại đây sẽ sử dụng kính lúp và kính hiển vi để quan sát hình thức một số mẫu được lấy ngẫu nhiên. Tiếp đó, lô vải sẽ được đưa ra ngoài để dán nhãn hoàn thành quy trình chiếu xạ khi mỗi lô vải được đảm bảo đã chiếu xạ liên tiếp trong 1 tiếng đồng hồ. Sau khi hoàn thiện tất cả công đoạn xử lý vải, các thùng vải sẽ được dán tem niêm phong, đưa vào kho lạnh bảo quản trong nhiệt độ 2-4 oC để kiểm soát hoàn toàn các loại côn trùng gây hại, giúp kéo dài thời gian bảo quản (đến 20 ngày) trong khi chờ lên đường xuất khẩu.
Vải thiều phải được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng (16 loại vi khuẩn, nấm bệnh) và phải dán nhãn đã qua chiếu xạ. Một số nguồn tin cho rằng đây là điều bất lợi đối với sản phẩm nhập khẩu vì quốc gia này cũng trồng được vải tại 2 bang Florida, Hawaii và một phần nhỏ của bang California nên nhiều người tiêu dùng tại đây không muốn ăn các sản phẩm chiếu xạ, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, lượng chiếu xạ đối với vải nhập khẩu đã được kiểm soát trong giới hạn cho phép theo quy định nhập khẩu của Mỹ và hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới sức khỏe con người.
Vải thiều sau khi thu hoạch, để có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cần đạt được những yêu cầu nhất định về hình dáng, khối lượng và độ chín. Ngoài ra, những yêu cầu đóng gói bao bì quả vải cũng cần phải tuân theo quy định khắt khe của nước này.
Cho đến nay, 7 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm xoài nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa và bưởi đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trong đó, thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được cấp phép vào thị trường này từ năm 2008. Hi vọng rằng những năm tiếp theo sẽ có nhiều mặt hàng nông sản Việt được tiêu thụ tại thị trường khó tính này.
Dương Kiều