Vị thế một thời của thanh long Việt
Thanh long là loại cây chịu nắng hạn, dễ trồng, cho ra quả ngọt, thanh mát. Khoảng đầu năm 1990, một vài thương nhân Ðài Loan đã phát hiện quả thanh long Bình Thuận, đem chào hàng cho một số nước châu Á và được ưa chuộng, từ đó mở ra cơ hội cho quả thanh long xuất khẩu. Nhận thấy cơ hội xuất khẩu, Việt Nam đã nỗ lực tạo điều kiện cho loại cây ra quả này. Thanh long được trồng ở 30 tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha), chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước.
Thời điểm mới “chào sân” thị trường quốc tế, thanh long là loại quả “hiếm” với nhiều quốc gia do điều kiện khí hậu, đất đai khiến họ chưa canh tác được giống trái cây này. Điều này càng làm tăng sức độc tôn của thanh long Việt trên thị trường xuất khẩu, chiếm tới 80-90% giao dịch. Giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam do vậy cũng tăng liên tục, từ hơn 57 triệu USD năm 2010, lên tới 483 triệu USD vào năm 2015 và đạt khoảng 1,1 tỷ USD năm 2018.
Tới nay, hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ là “lãnh địa” xuất khẩu của thanh long Việt. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, “rồng xanh” cũng vươn tới được những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia.
Sự giảm sút về sản lượng xuất khẩu
Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam liên tục giảm mạnh. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt hơn 632 triệu USD, giảm gần 39% so với năm 2021 và giảm trên 49% so với mức đỉnh năm 2019.
Hai tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu thanh long thuận lợi hơn nhưng vẫn chỉ đạt gần 106 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ 2022. Dự đoán, kim ngạch xuất khẩu thanh long năm 2023 sẽ tiếp tục sụt giảm so với năm trước đó.
Giám đốc một doanh nghiệp thu mua thanh long ở Bình Thuận cũng cho hay, hiện mỗi ngày công ty ông xuất được vài chục, có khi chỉ vài container hàng, trong khi trước đây con số lên cả trăm.
Do đâu mà thanh long “made in Vietnam” thất thế?
Có nhiều nguyên do dẫn đến sự “thất thế” của thanh long.
Thứ nhất, dịch Covid-19 đã chặn đứng con đường xuất khẩu của rất nhiều hàng hóa Việt nói chung và thanh long nói riêng. Từ phía xuất khẩu, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội đã hạn chế hoạt động của các thương lái, khiến việc vận chuyển đến các nước quốc tế gặp khó khăn. Từ phía nhập khẩu, giãn cách và đóng cửa biên giới từ các quốc gia đối tác cũng góp phần gây nên tình trạng tắc nghẽn đường xuất khẩu thanh long. Chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc, bạn hàng thân thiết và cũng là nhà nhập khẩu “ruột” của thanh long Việt, đã khiến biên giới nước này liên tục bị đóng cửa trong các năm từ 2020 đến 2022.
Thứ hai, nhiều quốc gia đang dần tự chủ nguồn cung hoặc thậm chí tham gia vào đường đua xuất khẩu.
Sau khi mở cửa lại thị trường hậu Zero-COVID, những tưởng Trung Quốc sẽ góp phần đẩy mạnh doanh thu xuất khẩu thanh long, nhưng hiện nay nước này đang chủ động canh tác thanh long nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế hơn so với các năm trước dịch. Cụ thể, cuối tháng 2/2023, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long cho năm 2022, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn, giúp nước này vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng thanh long. Năng suất canh tác này gần như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khoảng 2 triệu tấn một năm của người dân quốc gia Đông Á này. Nếu tiếp tục gia tăng năng suất trồng trọt, chỉ trong vài năm nữa, Trung Quốc sẽ không còn cần tới nhập khẩu thanh long.
Người anh em Nam Á, Ấn Độ, cũng đã ghi nhận trồng thành công loại quả này. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ quyết định xây lộ trình canh tác lên 50.000 ha trong 5 năm tới. Thậm chí, có nguy cơ hàng nước bạn sẽ xuất ngược sang Việt Nam khi giá của họ rẻ hơn.
Thất thế trên thị trường Châu Á là chưa đủ, “rồng xanh” Việt Nam còn phải chịu sự đụng độ với Mexico trên thị trường Châu Mỹ. Những năm 2010, Việt Nam xuất khẩu thanh long vào Mỹ rất thuận lợi. Tuy nhiên kể từ năm 2019 khi Mexico canh tác được thanh long, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Canada giảm hẳn.
Thứ ba, hoa quả Việt Nam không đạt tiêu chuẩn kiểm định hoặc bị đánh thuế cao ở một số quốc gia. Một số nước như Nhật Bản hay Hoa Kỳ nổi tiếng có tiêu chuẩn kiểm định cao và đã từng “lắc đầu” trước nhiều loại hoa quả Việt Nam. Riêng thanh long Việt đã từng bị từ chối nhiều lần do nồng độ thuốc bảo vệ thực vật đo được vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Ấn Độ cũng là điểm đến “quá tầm với” vì thường đánh thuế cao với rau quả Việt.
Giải pháp trước mắt
Trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đang “nhăm nhe” vị thế xuất khẩu thanh long của Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho rằng nông dân và doanh nghiệp Việt cần đánh giá lại thị trường để phát huy lợi thế của mình.
Ngoài tập trung vào chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nông dân cần chọn thời điểm canh tác hợp lý. Tức là thay vì trồng ồ ạt như trước, nông dân nên cân nhắc đầu tư cho các thời vụ mà nước bạn không trồng được cây. Vào mùa đông, Trung Quốc khó trồng thanh long. Do đó, nông dân Việt Nam nên tăng trồng thanh long cho thu hoạch vào đầu năm và cuối năm vì thời điểm này hàng từ nước láng giềng sẽ ít. Tất nhiên, người nông dân không nên bị đặt vào thế “cô độc” trong cuộc cạnh tranh này. Chính quyền địa phương các tỉnh Nam Trung Bộ cần thông tin và chỉ đạo nông dân để họ có sự chuẩn bị và canh tác đúng quy hoạch.
Bên cạnh thanh long ruột trắng, Việt Nam cũng có một thế mạnh khác là thanh long ruột đỏ. Giống này ngọt hơn thanh long ruột trắng nhưng các nước đối thủ vẫn chưa canh tác được. Do vậy, phương hướng tăng cường trồng thanh long ruột trắng cũng được các chuyên gia đề cập.
Trịnh Thảo