Thịt nóng liệu có giữ được độ nóng của mình?
Hiện nay, nhiều bà nội trợ đã tin tưởng sử dụng thịt mát cho bữa ăn của gia đình hơn. Nhưng ít ai biết được rằng để có được độ phủ sóng như ngày hôm nay, thương hiệu MEATDeli đã từng vấp phải những nghi ngờ trên “hành trình dài hơi” của mình. Từ khi mới ra mắt vào năm 2018, thương hiệu chỉ có 17 cửa hàng tại Hà Nội, nhưng đến hiện tại, đứa con tinh thần của tập đoàn Masan đã chiếm sóng trên hơn 4000 điểm bán tại 60 tỉnh thành chỉ sau 4 năm. Không khó để chúng mình bắt gặp MEATDeli ở các siêu thị bán lẻ như Winmart, Coopmart hay BigC phải không nào?
Vậy thịt heo thì như thế nào mới ‘heo-thì’? Đa phần các quốc gia phát triển hiện nay đều sử dụng thịt mát cho bữa ăn, chỉ có Việt Nam và một số quốc gia khác còn chuộng sử dụng “thịt nóng”. Ưu điểm của thịt nóng đầu tiên phải kể đến chắc chắn là tươi. “Thịt nóng” mới ra lò mang một hương vị truyền thống tươi ngon mà không thể có được ở “thịt mát”. Tuy nhiên thịt nóng để trong nhiệt độ tự nhiên là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi sinh vật, không đảm bảo an toàn vệ sinh, nhất là vào những ngày hè oi bức.
Ngoài ra, các lò mổ thịt phân phối ra các chợ trong khu dân cư thường có quy mô nhỏ lẻ. Ước tính vào năm 2022, cả nước hiện còn trên 22.000 điểm giết mổ heo nhỏ lẻ, tự phát. Làm thế nào để có thể truy xuất nguồn cung một cách triệt để vẫn đang là một vấn nạn đau đầu… Vai trò của thương lái giống như các nhân viên thu mua, nhiều người vẫn đang chọn thịt từ những nguồn cung kém chất lượng vì cái lợi trước mắt.
MEATDeli: Nguồn cung được đảm bảo chất lượng
Về nguồn cung nguyên liệu, Masan sở hữu trang trại công nghệ cao, quy mô 250.000 con/năm. Bên cạnh nguồn tự cung cấp, thương hiệu cũng linh hoạt ký kết hợp đồng dài hạn trong vòng 1 năm với các nhà cung cấp khác, đảm bảo nguồn cung heo sạch đạt tiêu chuẩn Global GAP. Nguồn thịt lợn đảm bảo không sử dụng kháng sinh hay chất tạo nạc, đồng thời phải đi qua 3 tuyến kiểm dịch trước khi đến tay người tiêu dùng.
Với quy trình 3F (Feed – Farm – Food), heo không chỉ được nuôi mà còn được chế biến theo quy trình khép kín. Heo khỏe được chọn lọc và xử lý, sau đó phần thịt được qua quy trình làm mát để hạ nhiệt độ toàn bộ phần thịt xuống từ 0-4 độ C trong vòng 24 giờ. Phương pháp đặc biệt của thịt mát là quy trình làm chín sinh hóa. Vậy quá trình sinh hóa là gì? Sau khi được hạ nhiệt, các enzim trong nội tại ở tế bào của thịt được tiết ra để phân hủy các liên kết giữa các tế bào và các mô, từ đó làm mềm thịt giúp thịt dễ hấp thu và tiêu hóa tốt khi ăn.
Bảo quản tốt giúp thịt “thở”
Để giúp giữ cho miếng thịt tươi ngon đến tận tay khách hàng, MEATDeli còn sử dụng công nghệ đóng gói Oxy Fresh tiên tiến giúp bảo quản thịt tươi trong vòng 9 ngày. Được biết, Oxy Fresh là phương pháp thay đổi thành phần không khí bên trong bao bì bằng hỗn hợp các loại khí. Phương thức này bao bọc thực phẩm trong các vật liệu chắn khí, trong đó môi trường khí được thay đổi để ức chế tác nhân gây hư hỏng. Nhờ đó chất lượng của thực phẩm được duy trì ở mức tốt nhất cũng như kéo dài thời hạn sử dụng. Những loại thực phẩm thường được áp dụng công nghệ này là rau củ quả, thịt và hải sản.
Thịt được tiếp tục thở, do đó có thể giữ được màu sắc đặc trưng. Trong ngành chế biến thịt heo, bò, gà, khí O2 là loại khí giúp giữ màu tươi và tự nhiên của thực phẩm, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và giúp thịt mát giữ nguyên được màu sắc tươi hồng vốn có.
Last-mile delivery: Mát lạnh đến chặng cuối cùng
Cuối cùng, để những khay thịt được đóng gói kỹ càng có thể nằm yên vị trên những tủ lạnh của siêu thị hay cửa hàng bán lẻ, chúng ta sẽ cần đến biệt đội vận chuyển lạnh. Trong suốt quá trình từ vận chuyển, bảo quản đến phân phối sản phẩm, thịt mát cần phải đảm bảo được khung nhiệt độ “vàng” từ 0-4 độ C để có thể giữ được màu sắc tươi và kết cấu mềm dẻo. Thịt sau khi được pha lóc sẽ đóng trong các túi giữ nhiệt chuyên dụng và được vận chuyển bằng xe máy hoặc xe tải lạnh đến các điểm bán lẻ như siêu thị hoặc đại lý.
Thịt mát có hạn sử dụng lâu hơn và có thể bảo quản được trong ngăn mát tủ lạnh trong vòng 5 ngày. Những khay thịt tươi mát sẽ được nằm yên vị trong những chiếc tủ mát chuyên dụng ở siêu thị và đợi bạn mua về!
Vậy vấn đề sẽ quay trở lại đó là thịt mát hay thịt nóng? Miếng thịt nóng nếu được chế biến theo tiêu chuẩn, được tiêu dùng ngay sau khi chế biến sẽ đem lại một hương vị món ăn khó quên. Thịt mát, tuy không có được một hương vị hấp dẫn, nhưng bù lại có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Hơn nữa, thịt mát lại dễ truy xuất nguồn gốc hơn, dễ tiêu chuẩn hóa và khảo sát chất lượng. Đây đều là những xu thế đầy triển vọng của chuỗi cung ứng tương lại. Vì vậy mà giá của thịt mát cũng cao hơn từ 15-30%.
Hiện nay đã xuất hiện nhiều thương hiệu thịt sạch trên thị trường tuy nhiên chỉ có MEATDeli là thương hiệu thịt sạch đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất theo tiêu chuẩn BRC – tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về an toàn thực phẩm. Nhìn chung, có thể thấy MEATDeli là một case study của một doanh nghiệp áp dụng chuỗi cung ứng lạnh rất thành công khi đã đặt một nền móng nhất định cho sự phát triển thịt mát ở Việt Nam.
Còn các bạn nghĩ sao, hãy để lại cảm nghĩ ở phần bình luận nhé!
Hà Trang