Máy bay tìm chỗ đỗ trên đường băng
Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài: “Thông thường, lượng tàu bay đỗ qua đêm tại Nội Bài chỉ khoảng 70 tàu và đến ngày hôm sau là bay đi, bay về hết. Nhưng những ngày qua, chúng tôi đã phải bố trí chỗ đỗ cho gần 90 tàu bay, trong số này, không ít tàu “đắp chiếu” cả tháng, nếu không thì cũng phải 1 vài tuần. Như Vietnam Airlines mỗi đêm có khoảng 30 tàu đỗ tại Nội Bài, trong đó có tới hơn chục tàu không khai thác. Số lượng tàu “nằm sân” của Vietjet cũng tương tự. Không hãng nào tránh được tình trạng này”. Ông còn cho biết thêm do sân đậu không còn đủ chỗ, đơn vị đã phải xin phép Cục Hàng không Việt Nam đóng toàn bộ đường lăn S1 để làm chỗ đỗ qua đêm cho máy bay.
Những ngày qua, theo báo cáo từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mỗi ngày sân bay này chỉ đón khoảng 5.000-6.000 khách với 80-90 chuyến bay. Đại diện CHKQT Nội Bài chia sẻ “Bình thường, lượng khách qua Nội Bài khoảng 50.000 – 60.000 lượt khách, cao điểm có thể lên tới gần 80.000 lượt khách mỗi ngày. Khách còn bằng 1/10 thì tàu không nằm sân, biết bay đi đâu”. Trước khi dịch bùng phát tại TP.HCM, con số này cũng dao động trong khoảng 8.000 – 9.000 khách/ngày.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động hàng không dân dụng trên cả nước. Các hãng hàng không nội địa của Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay. Thực tế, Cục Hàng không VN cũng vừa phải khẩn cấp có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) về việc giải quyết nhu cầu đỗ tàu bay qua đêm của các hãng hàng không.
Dư thừa nguồn lực trầm trọng
Trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) dự báo lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải hàng không trong năm 2021 sẽ chỉ đạt mức gần 43% so với trước khi đại dịch xảy ra (năm 2019) và chưa thể phục hồi cho tới năm 2023.
Mặc dù vậy, nhiều hãng hàng không vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, tạo nên tình trạng dư thừa và lãng phí đáng kể nguồn lực. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, số tàu bay của các hãng đến thời điểm hiện tại là khoảng 230 tàu, tăng 24 tàu so với năm 2019, tương ứng tốc độ tăng khoảng 10%.
Theo số liệu tháng 4/2021, tổng số máy bay dư thừa của các hãng Việt Nam là xấp xỉ 58 tàu, chiếm 26% tổng số máy bay.
Các hãng hàng không đang tìm hướng giải quyết
Trước tình hình này, Vietnam Airlines buộc phải đưa ra giải pháp tái cơ cấu đội bay để gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền. Theo đó, tổng số tàu bay cũ có thể tái cơ cấu trong cả giai đoạn 2021 – 2025 là 26, dòng A321. Hiện tại, hãng này cũng đang mời đấu giá 11 máy bay A321 CEO, sản xuất vào các năm 2004, 2007 và 2008.
Để xóa lỗ và tạo dòng tiền đầu tư, Vietnam Airlines đã buộc phải đưa ra giải pháp tái cơ cấu đội bay khi đã đẩy lùi lịch nhận của 9 tàu bay có lịch giao trong năm 2020-2021 và có kế hoạch bán 11 tàu A321CEO trong năm 2021
Mặc dù ngành hàng không thế giới được dự báo sẽ thu hẹp lại trong tương lai, tuy nhiên, vẫn có những hãng hàng không trong nước liên tục đón thêm tàu bay mới. So với thời điểm sau dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam cuối tháng 3/2020, các hãng đã nhận thêm tổng cộng 17 tàu bay.
Vân Anh