Mở rộng thị trường: Hàng Việt Nam dần xâm chiếm các kệ hàng Walmart
Chuỗi sự kiện “Kết nối các nhà cung ứng quốc tế 2023 – Vietnam International Sourcing Expo 2023” sẽ có sự góp mặt của rất nhiều tập đoàn lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…, trong đó có sự xuất hiện đáng chú ý của “gã khổng lồ” Walmart.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã khẳng định vị thế mạnh của mình trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa và trở thành một trong những đối tác lớn của tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới – Walmart.
Không chỉ hợp tác trong phạm vi quốc gia, từ Việt Nam, hàng hóa được xuất khẩu và đưa vào các trung tâm phân phối, hệ thống siêu thị của Walmart trên toàn thế giới, bao gồm các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước khu vực Bắc Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Theo bà Sarah Thorn, Giám đốc cấp cao, phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu của Tập đoàn bán lẻ Walmart, Việt Nam hiện đứng trong top 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart với với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD. Điều này đem lại lợi ích lớn cho cả hai bên, khi Việt Nam tiếp cận được các thị trường mới và tiếp tục mở rộng thị phần, trong khi Walmart có cơ hội tiếp cận nguồn cung ứng đáng tin cậy và có chất lượng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh công nghệ và đào tạo lao động chất lượng cao.
Hiện nay, mạng lưới tìm kiếm và thu mua hàng hóa của Walmart trải rộng khắp tại 17 quốc gia khác nhau, với tổng cộng 30 trung tâm tìm kiếm. Việt Nam cũng từ lâu đã góp mặt và thể hiện vai trò quan trọng như một đối tác chiến lược của Walmart. Từ năm 2013, Walmart đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, đánh dấu sự bắt đầu cho một hợp tác đầy triển vọng giữa hai bên.
Đến nay, Walmart Việt Nam hoạt động với đội ngũ hơn 300 nhân viên, chịu trách nhiệm tìm kiếm và phát triển danh mục hệ thống các nhà cung ứng. Trong bối cảnh tình hình xung đột thương mại và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của Tập đoàn Walmart. Trong những năm tới đây, Walmart đặt mục tiêu thu mua từ Việt Nam càng nhiều càng tốt.
Những yêu cầu đối với nhà cung cấp Việt Nam của Walmart
Hiện Walmart tìm kiếm một loạt sản phẩm đa dạng và phong phú, trong đó phần lớn phù hợp với khả năng cung ứng và sản xuất của Việt Nam. Những mặt hàng chính phải kể đến: Thời trang và phụ kiện (áo sơ mi, quần jeans, ví da, khăn quàng cổ); Giày dép (giày thể thao, dép xăng đan, bốt da, giày cao gót); Sản phẩm dệt may và phụ kiện (khăn len, quần tây, váy dạ hội, nón lưỡi trai); Thiết bị điện tử gia dụng (máy lạnh, máy giặt, lò vi sóng); Nội thất và trang trí (bàn trà, ghế sofa, đèn trang trí, tranh treo tường); Sản phẩm thực phẩm và tiêu dùng (bột mỳ, nước giặt, nước khoáng, thực phẩm đóng hộp)
Tuy nhiên, để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đặc biệt vào ba vấn đề cốt lõi quan trọng: Xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn; giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics; năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm.
Đồng thời, tuân thủ các tiêu chí đánh giá quan trọng từ phía Walmart như năng lực, khả năng cung ứng, ổn định tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết môi trường cũng là chìa khóa để thành công trong việc hợp tác cung ứng với một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới này.
Nguyễn Thảo