Infographic dưới đây thể hiện số liệu về những khoản đầu tư vào việc khai thác, phát triển các loại năng lượng tái tạo khác nhau tại những khu vực khác nhau trên thế giới, đồng thời thể hiện xu hướng và những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng đầu tư vào loại năng lượng này.
Cụ thể, 2000 tỷ USD sẽ được phân bổ cho phát triển năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưu trữ điện và lưới điện. Trong đó, năng lượng Mặt Trời, cụ thể là điện Mặt Trời (quang điện) đang thu hút nhiều nhất, với mức chi tiêu dự kiến lên tới 500 tỷ USD, và nhà đầu tư chính là Trung Quốc. Đứng thứ 2 là tổng số tiền đầu tư vào lưới điện. Sau khi trì trệ ở mức khoảng 300 tỷ USD/năm kể từ năm 2015, chi tiêu dự kiến sẽ đạt 400 tỷ USD vào năm 2024, nhờ các chính sách và nguồn tài trợ mới ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số khu vực ở Châu Mỹ Latinh. Những khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân cũng sẽ tăng vào năm 2024, được dự kiến sẽ đạt 80 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 9% trong tăng trưởng đầu tư vào năng lượng sạch năm 2024. Một thành phần năng lượng tái tạo khác cũng đang tăng mạnh là bộ lưu trữ pin. Dự kiến, những khoản đầu tư vào loại thiết bị này sẽ vượt 50 tỷ USD vào năm 2024, tuy nhiên, các khoản đầu tư này sẽ chỉ tập trung tại các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc.
Tuy nhiên, khoản đầu tư vào năng lượng sạch của từng khu vực đến nay vẫn có sự khác biệt đáng kể. Dự kiến, Trung Quốc sẽ dẫn đầu với khoản đầu tư khoảng 675 tỷ USD nhờ thị trường nội địa rộng lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời, pin lithium và xe điện. Tiếp theo sau đó là khu vực Liên minh Châu Âu (EU), với khoản đầu tư 370 tỷ USD và Hoa Kỳ với 315 tỷ USD. Mặt khác, mặc dù đã có những tiến bộ, sáng kiến chính sách mới, đầu tư ở khu vực đang phát triển như Châu Phi chỉ đạt mức 40 tỷ USD trong năm nay, chênh lệch đáng kể so với các mức đầu tư ở những khu vực các nước phát triển. Ngoài ra, mặc dù dự báo về đầu tư vào năng lượng trên toàn khu vực EMDE bên ngoài Trung Quốc sẽ đạt 320 tỷ USD vào năm nay (cao hơn Mỹ), nguồn lực tài chính này vẫn được đánh giá sẽ không đủ để khai thác và phát triển năng lượng sạch tại khu vực này.
Tuy thế giới đang đứng trước sự mất cân bằng dòng đầu tư vào năng lượng, nhưng đầu tư của những khu vực kể trên đều có mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, nếu trong năm 2015, tỷ lệ đầu tư vào năng lượng sạch so với năng lượng nhiên liệu hóa thạch là khoảng 2:1, thì đến năm nay, tỷ lệ này được thiết lập lại thành 10:1. Mặt khác, nếu so với năm 2020, Trung Quốc vẫn là khu vực có mức đầu tư tăng trưởng lớn nhất, với 75%. Các nền kinh tế tiên tiến như EU, Mỹ,… có mức tăng trưởng vào khoảng 50%, tương đương với mức tăng trưởng đầu tư tại khu vực EDME bên ngoài Trung Quốc. Đáng chú ý, 40 tỷ USD là mức đầu tư gần gấp đôi so với năm 2020 vào năng lượng sạch tại khu vực Châu Phi.
Lý giải cho sự tăng trưởng này, trước tiên, nỗ lực giảm phát thải trong nền kinh tế thế giới hướng đến thực hiện Net Zero 2050 (cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050) là một trong những yếu tố không thể không nhắc tới. Ngoài ra, sự phát triển này cũng được thúc đẩy bởi những yếu tố khác như phát triển kinh tế và tiến bộ khoa học. Đặc biệt, việc hiện nay các quốc gia ngày càng chú trọng đến an ninh năng lượng (đặc biệt là Liên minh Châu Âu) và và tập trung vào việc giảm chi phí, cải thiện chuỗi cung ứng của mình để tăng năng lực cạnh tranh cũng thúc đẩy đầu tư vào các dạng năng lượng sạch, nhất là khi các quốc gia lớn đang triển khai các chiến lược công nghiệp mới để thiết lập vị thế thị trường mạnh mẽ hơn.
Trúc Quỳnh