Khi quái vật ngàn năm thức giấc
Eyjafjallajökull, một núi sông băng nhỏ nằm ở phía nam Iceland, có đỉnh cao khoảng 1.660 m so với mực nước biển, hoạt động vừa phải với các thời kỳ phun trào cách nhau từ 10 năm đến hàng trăm năm. Tuy nhiên, trong năm 2010, hai vụ phun trào đã xảy ra liên tiếp chỉ trong vòng một tháng, biến những khu vực xung quanh từ ngày thành đêm.
Theo các nhà khoa học, trong hai lần phu trào này lửa nóng đã làm tan chảy 1/5 khối băng dày 200m trên miệng núi lửa Eyjafjallajokull và thổi ra một khối lượng hơi nước cùng khói bụi khổng lồ, bốc lên khí quyển ở độ cao 6 đến 11 km. Bụi tro dày đặc lan rộng ra ở các khu vực có người ở ở phía nam Iceland, làm cho khu vực này luôn chìm trong bóng tối dù đang ở trong thời kỳ mùa thu nắng ấm. Gió từ phía Tây và phía Bắc chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian phun trào, mang theo lượng lớn khói bụi của núi lửa đi về phía lục địa châu Âu.
Nhiều hãng hàng không “tê liệt” làm gián đoạn chuỗi cung ứng
Ngay sau lần phun trào thứ hai vào tháng 4 năm 2010, khoảng 48% tổng số chuyến bay của châu Âu đã phải dừng bay trong thời gian 8 ngày. Sự gián đoạn này đã khiến các nhà xuất khẩu hoa ở châu Phi tới châu Âu phải ngừng kinh doanh, việc vận chuyển các thực phẩm tươi sống cũng bị trì hoãn trong việc cung ứng giữa các châu lục. Từ ngày 14 đến ngày 21 tháng 4 năm 2010, hơn 100.000 chuyến bay bị hủy, gây thiệt hại doanh thu ước tính 1,3 tỷ EUR cho các hãng hàng không và lượng di chuyển bằng đường hàng không giảm 11,7% trong tháng đối với các hãng hàng không châu Âu.
Lượng tro bụi từ núi lửa và sự phân tán của nó trong khí quyển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không quốc tế trong nhiều tuần. Tro bay xa tới 10 km trong khí quyển và được mang theo bởi gió bắc hướng tới Ireland, Vương quốc Anh và lục địa châu Âu, nơi nó tác động mạnh nhất đến một trong những vùng trời có mật độ dân cư đông đúc trên thế giới. Không phận ở châu Âu đã bị đóng cửa nhiều lần cho đến khi vụ phun trào kết thúc vào tháng 5 năm 2010. Vụ phun trào được cho là đã gây ra sự gián đoạn lớn nhất về giao thông hàng không kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, với thiệt hại ước tính trên toàn thế giới là 3,75 tỷ EUR.
Bài học nào được rút ra?
Mặc dù vụ phun trào năm 2010 ở Eyjafjallajökull có quy mô địa vật lý và hậu quả cục bộ vừa phải, nhưng nó đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, mây tro của núi lửa nguy hiểm ở hai khía cạnh: một là che lấp tầm nhìn của máy bay, hai là những hạt bụi đá có thể làm hỏng động cơ máy bay, gây tai nạn.
Xét trên bình diện quốc tế, vụ phun trào Eyjafjallajökull năm 2010 đã làm tăng nhận thức về mối đe dọa của tro núi lửa đối với giao thông hàng không ở châu Âu. Và kể từ đó, nhiều hợp tác nghiên cứu đã được thành lập giữa các hãng hàng không và doanh nghiệp tư nhân để thử nghiệm các thiết bị đo lường tro núi lửa trên máy bay, chẳng hạn như như AVOID hoặc ZEUS nhằm giảm thiểu nhiễm tro từ núi lửa.
Dương Kiều