Nguy cơ thiếu hụt các sản phẩm từ giấy do nhu cầu tăng cao
Trong khi các nhà cung cấp phải đối mặt với những thách thức về logistics như ùn ứ tại các cảng biển, thiếu hụt container, giá cước vận tải… thì các nhà bán lẻ như Costco và Sam’s Club đang phải tìm cách để ngăn khách hàng tích trữ hàng hóa và gây ra một sự thiếu hụt khác bởi nhu cầu tăng cao.
Ronalds Gonzalez, đồng giám đốc Phòng thí nghiệm đổi mới khăn giấy tại Đại học bang North Carolina, cho biết: “Các cửa hàng như Costco đang chủ động trong việc điều tiết hàng hóa đặc biệt là các sản phẩm về giấy và sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng miễn là người mua hàng không mua nhiều hơn mức họ cần.”
Gonzalez cho biết, chuỗi cung ứng khăn giấy trong lịch sử luôn ổn định và có thể dự đoán được. Tuy nhiên khi nhu cầu thay đổi đột ngột đã khiến các nhà bán lẻ và nhà sản xuất phải tranh giành, chạy đua để theo kịp nhu cầu của khách hàng. Các nhà sản xuất giấy vệ sinh như Procter & Gamble và Georgia Pacific đã phải tăng công suất và mở rộng sản xuất sau làn sóng mua hàng hoảng loạn vào đầu đại dịch.
Thách thức lớn cho nhà sản xuất
Việc xuất khẩu các nguyên liệu thô như bột giấy bị đình trệ là một thách thức lớn đối với các công ty đang tìm cách tăng nguồn cung. Suzano cho biết các chuyến hàng bột giấy đã bị trì hoãn và lượng xuất khẩu bị “tác động tiêu cực” do ù ứ, tắc nghẽn cảng và nhu cầu cao hơn đối với tàu chở hàng rời.
Leonardo Grimaldi, Giám đốc điều hành thương mại bột giấy Suzano, cho biết việc trì hoãn xuất khẩu đang bắt đầu đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất trước mùa cao điểm. Các nhà sản xuất mong đợi nguyên liệu thô sẽ được xuất khẩu và giao hàng thuận lợi để họ có thể sớm phục hồi và gia tăng công suất sản xuất.
Theo thống kê Chỉ số giá sản xuất của Cục Thống kê Lao động, khi nhu cầu tăng cao trong tháng 8, giá bột giấy đã tăng tới hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Costco đang đối mặt với sự leo thang của giá nhiều mặt hàng, cụ thể là giấy và bột giấy có thể tăng 4% đến 8%. Không chỉ vậy, Costco cũng đang đối mặt với sự thiếu hụt nhiều sản phẩm khác nhau và sự chậm trễ giao hàng kéo dài từ 2 tuần đến 3 tuần.
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu sự gia tăng nhu cầu có dẫn đến một đợt dự trữ điên cuồng khác hay không, Hiệu trưởng Esko Uutela của RISI Tissue cho biết ông không mong đợi một làn sóng mua hàng hoảng loạn khác, cũng như không dự đoán giới hạn mua hàng sẽ được hồi sinh tại các cửa hàng trên quy mô lớn.
Uutela cho biết hoạt động đang sôi động trở lại khi các công ty đang bổ sung hàng (restocking), nhưng điều này có thể chỉ là tạm thời. “Tôi không nghĩ những vấn đề này liên quan nhiều đến việc ngày càng có nhiều trường hợp COVID mới và tình trạng mua bán hoảng loạn, thay vào đó nó liên quan đến các vấn đề logistics.”
Hồng Đào
ĐỌC THÊM:
Anh: Thiếu hàng dịp Giáng sinh do tắc nghẽn chuỗi cung ứng