Một vài năm trước đây, Bắc Giang được liệt kê vào danh sách các tỉnh thành nghèo nhất Việt Nam, người dân chủ yếu phụ thuộc vào một số mặt hàng như gạo, quả vải và bột. Tuy nhiên, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ, điện tử đã thay đổi hoàn toàn nền kinh tế Bắc Giang.
Tốc độ tăng trưởng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bắc Giang tăng gần như gấp đôi hàng năm, ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19 đánh mạnh vào nền kinh tế toàn cầu, tỉnh thành này vẫn đưa ra dự đoán tích cực về việc trị giá xuất khẩu năm 2020 của cả tỉnh sẽ đạt đến mức 11 tỷ đô – gấp 10 lần so với con số 06 năm về trước. Dân cư khu vực này cũng được “đổi đời”, không còn những chiếc xe đạp hay xe máy cũ kỹ, lỗi thời đi trên đường, thay vì đó, ngày nay, việc xuất hiện các xe tay ga đời mới cùng những chiếc xe ô tô SUV, hay Mercedes không còn quá xa lạ.
Ông Nguyễn Văn Lãnh, 64 tuổi chia sẻ với Bloomberg: “Từ ngày xuất hiện các nhà máy, cuộc sống người dân nơi đây đang dần trở thành thiên đường.” Gia đình của ông Lãnh trước còn không thể mua nổi thịt cho các bữa ăn hàng ngày, hiện đang có cuộc sống tương đối dư giả nhờ vào việc kinh doanh các phòng trọ phục vụ cho công nhân các nhà máy xung quanh.
Sự phát triển mạnh mẽ của Bắc Giang là một ví dụ điển hình cho sự tác động mãnh liệt vào nền kinh tế khu vực của xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện đang ngày càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong những lĩnh vực tạo ra giá trị lớn do chi phí lao động của Trung Quốc tăng mạnh cũng như tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và các biện pháp giảm thiểu rủi ro của việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng
Sau khi kết thúc chiến tranh và chính thức thống nhất đất nước, Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, chào đón các làn sóng đầu tư, thương mại quốc tế. Trong thời điểm đó, Bắc Giang vẫn là khu vực yếu kém. Thu nhập bình quân đầu người ghi nhận vào năm 2010 của Bắc Giang chỉ ở mức 650$/năm – tương đương với ½ mức thu nhập bình quân quốc dân. Bắc Giang nằm ở vị trí dễ chịu ảnh hưởng bởi bão lụt, do vậy, lĩnh vực nông nghiệp của khu vực này cũng không phát triển, nhiều người dân phải di cư đến các vùng miền khác như Bình Dương, Hồ Chí Minh để tìm kiếm các cơ hội việc làm trong nhà máy. Tuy nhiên, một thập kỷ sau, vào năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Bắc Giang được dự đoán sẽ đạt đến $3000/năm.
Các nhà sản xuất, đầu tư đang gõ cửa những tỉnh thành phía Bắc Việt Nam với các khoản vốn rót vào lên tới hàng tỷ đô la Mỹ. Samsung Electronics Co. sản xuất khoảng 50% tổng sản lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam; các tập đoàn đối tác sản xuất linh kiện cho Apple như Pegatron đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ đô vào thành phố cảng Hải Phòng. Gần đây, Apple cũng đăng tin tuyển dụng một số vị trí ở Việt Nam – một dấu hiệu khả quan về việc đầu tư vào Việt Nam trong tương lai gần.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh là nhờ vào chi phí thấp, sự ổn định về chính trị ,các chính sách hấp dẫn hỗ trợ nhà đầu tư, cùng sự cải thiện không ngừng trong cơ sở hạ tầng và nỗ lực của nhà nước để khuyến khích các startup về công nghệ, tạo ra nhiều đổi mới cho đất nước.
Dù có nhiều tín hiệu tích cực như trên, nhiều ngành nghề của Việt Nam vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Doanh thu ngành du lịch giảm hơn 50%, nhiều nhà máy may mặc phải sa thải hàng nghìn công nhân. Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế chỉ đạt mức 2% – 3% vào năm 2020, và dự kiến sẽ khôi phục lên 6% – 7% từ 2021 đến 2025.
Nhà máy
Ở trung tâm tỉnh Bắc Giang, những con đường 6 làn rộng rãi đã thay đổi con đường 1 làn trước đó. Nhiều dự án khu công nghiệp đang được tiến hành xây dựng với đầy những máy đóng cọc và máy cẩu ở khắp mọi nơi. Nền kinh tế địa phương tăng trưởng 10,9% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi cả quốc gia chỉ ghi nhận mức tăng 2,12%.
Ông Nguyễn Đại Lượng, phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) – nơi có 4/5 khu công nghiệp đang hoạt động, cho biết: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngày càng có nhiều công ty toàn cầu di chuyển nhà máy đến Bắc Giang, đặc biệt từ năm 2016 với khoảng 3,8 tỷ đô đã được đầu tư vào tỉnh, tăng gấp 4 lần so với 4 năm trước đó.”
Chính phủ hiện đang xây dựng cảng sông (ICD) ỏ Bắc Giang để phục vụ cho quá trình vận chuyển hàng hóa, đồng thời cung cấp đất cho các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân gần tổ hợp khu công nghiệp Luxshare rộng 16 ha.
Tất cả người dân ở Bắc Giang gần như đều có công ăn việc làm ổn định, và nhiều người lao động ở các tỉnh thành lân cận cũng tìm đến Bắc Giang để tìm việc tại các nhà máy lớn như Luxshare.
Mức lương cải thiện
Các công nhân trong bộ phận lắp ráp linh kiện điện tử có thể kiếm được thu nhập sau thuế lên đến 5.500$/năm (có bao gồm thu nhập từ thời gian làm thêm và các khoản thưởng), trong khi mức thu nhập thương niên trung bình của cả Việt Nam chỉ đạt dưới 3.000$.
Chị Nguyễn Thị Hà, 22 tuổi, từng là công nhân của một công ty xây dựng trước khi được nhận vào làm cho một nhà máy linh kiện điện tử, chia sẻ: “Tôi từng phải làm việc vất vả không màng nắng mưa với thu nhập chỉ đạt 5 triệu đồng.” Tuy nhiên, hiện tại, chị Hà đã có mức lương đến 10 triệu đồng với công việc ổn định và chế độ phúc lợi tốt.
Đời sống công nhân được cải thiện đáng kể. Hiện tại, họ có thể mạnh dạn tiêu những đồng tiền kiếm được cho những bữa ăn với đồng nghiệp tại các nhà hàng gần khu công nghiệp. Không quá xa xỉ, nhưng cũng đủ ngon và ít nhất họ không còn phải chi li từng đồng. “Cuộc sống của chúng tôi thực sự đã thay đổi theo một cách thật tuyệt vời.”
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng đi kèm với nhiều rủi ro: Công việc trong dây chuyền lắp ráp rất áp lực. Anh Hoàng Phương Duy, 30 tuổi, đã từng tham gia vào một buổi đình công tại một doanh nghiệp FDI ở Bắc Giang trước chính sách thay đổi cách tính lương làm thêm ngoài giờ, gây ra nhiều mâu thuẫn giữa công nhân và người quản lý nước ngoài.
Anh Duy cho biết: “Làm việc ở dây chuyền lắp ráp rất vất vả, vì nó đòi hỏi tốc độ nhanh cùng sự tập trung cao độ trong suốt thời gian dài.” May mắn thay, công ty này đã nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn để đáp ứng được yêu cầu của công nhân.
Thách thức trước mặt của chính phủ Việt Nam là làm sao để đẩy mạnh và phổ cập giáo dục chất lượng cao trên tất cả các tỉnh thành để tránh cái “bẫy thu nhập trung bình”, một khi các nhà máy rời khỏi Việt Nam do chi phí cũng đang dần tăng lên.
Một thế hệ tương lai với nền giáo dục tốt là mơ ước của nhiều người dân ở tỉnh Bắc Giang. Trước đây, người dân phải chịu cảnh nghèo khổ, không đủ ăn, nhưng bây giờ họ có thể đảm bảo con cái có đầy đủ điều kiện để phát triển tốt. Và họ mong muốn những đứa con, đứa cháu sẽ được theo học ở các trường đại học danh tiếng và có nhiều cơ hội tốt hơn so với thế hệ đi trước./
Biên dịch: Dandelion